Quy định của pháp luật về thời điểm, địa điểm mở thừa kế di sản
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Quyền thừa kế di sản..
1.1 Thừa kế di sản theo di chúc.
1.2 Thừa kế di sản theo pháp luật.
2. Thời điểm mở thừa kế di sản.
2.1 Thời điểm mở thừa kế di sản.
2.2 Các trường hợp bị tuyên bố là đã chết.
3. Địa điểm mở thừa kế di sản.
Việc phân chia thừa kế di sản không còn là vấn đề xa lạ trong thời đại hiện nay. Quyền thừa kế di sản được chia thành hai trường hợp là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Vậy thời điểm mở thừa kế, địa điểm mở thừa kế sẽ được xác định như thế nào? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết này
- Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền lập di chúc để thực hiện việc định đoạt tài sản của mình; hoặc để lại những tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Có thể hiểu việc thừa kế di sản được chia thành 02 trường hợp là: thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Người thừa kế sẽ có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Mọi cá nhân đều được quyền bình đẳng về việc để lại tài sản của mình cho người khác cũng như quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.
- Dựa theo quy định tại Điều 624 Bộ Luật dân sự 2015 về di chúc thì có thể hiểu thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí, nguyện vọng của cá nhân muốn chuyển tài sản của họ cho người khác sau khi chết.
- Hình thức của di chúc được thể hiện dưới dạng là văn bản, trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc văn bản thì người có di nguyện chia tài sản của mình có thể để lại di chúc miệng. Người thừa kế theo di chúc là những chủ thể được người lập di chúc đề cập trong di chúc được hưởng thừa kế theo tỷ lệ/phần tài sản được thể hiện theo di chúc và phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định.
- Việc phân chia di sản sẽ được thực hiện dựa trên nội dung di chúc thuộc ý chí của người đã lập di chúc. Nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho các chủ thể được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp nội dung di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì chủ thể thừa kế có quyền nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản. Trong trường hợp hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì những người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối lượng di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
- Căn cứ theo quy định tại Điều 649 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì thừa kế theo pháp luật được hiểu là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự của trường hợp thừa kế này sẽ do pháp luật quy định cụ thể.
- Thừa kế di sản theo pháp luật không được thể hiện thông qua một hình thức cụ thể mà pháp luật quy định nhằm giải quyết quyền tài sản của một cá nhân sau khi chết sẽ được giao lại cho người nào thừa kế, quản lý. Việc phân chia di sản theo pháp luật thể hiện thông qua văn bản thỏa thuận có công chứng về việc phân chia di sản của các chủ thể đồng thừa kế. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền thừa kế thì thực hiện theo quyết định của Tòa án về việc phân chia di sản.
- Khi phân chia di sản, nếu có chủ thể hưởng thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa được sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà những người thừa kế khác cùng hàng được hưởng nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra sẽ có quyền hưởng thừa kế; nếu chết trước khi được sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng. Những chủ thể thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật. Trong trường hợp không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về vấn đề định giá hiện vật và thỏa thuận về chủ thể nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật sẽ được bán để chia cho chủ thể hưởng thừa kế phù hợp với quy định pháp luật.
- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, mà người đó có thể để lại di chúc để phân chia thừa kế hoặc không để lại di chúc thì di sản được phân chia theo pháp luật. Theo quy định của pháp luật, để xác định thời điểm người có tài sản đã chết có thể phân thành hai trường hợp:
- Chết về mặt sinh học, tức là người có tài sản đã kết thúc sinh mạng của mình trên thực tế. Thời điểm mở thừa kế sẽ được xác định căn cứ trên giấy chứng tử của người đã chết;
- Chết về mặt pháp lý, tức là trường hợp Tòa án tuyên bố một người đã chết khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật tại khoản 2, Điều 71, Bộ luật dân sự 2015. Thời điểm mở thừa kế sẽ được xác định căn cứ theo Quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án.
- Tóm lại, thời điểm mở thừa kế sẽ được căn cứ vào thời điểm có tài sản chết. Cụ thể cái chết của người đó sẽ được xem xét thuộc trường hợp chết về mặt sinh học hay chết về mặt pháp lý để xác định thời điểm mở thừa kế cho phù hợp.
- Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 71 Bộ luật dân sự 2015 thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp như sau:
- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.
- Dựa trên các trường hợp này, Tòa án sẽ xác định ngày chết của người đã bị tuyên bố là đã chết để làm căn cứ xác định thời điểm mở thừa kế di sản.
Địa điểm mở thừa kế di sản
- Theo quy định tại khoản 2, Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 thì địa điểm mở thừa kế có thể hiểu là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thừa kế. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế di sản sẽ được xác định là nơi có toàn bộ di sản hoặc phần lớn di sản để lại.
- Hiểu theo quy định nêu trên thì nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản được xác định có thể là nơi thường trú hoặc có thể là nơi tạm trú của người để lại di sản. Trường hợp không xác định được nơi cư trú nêu trên thì căn cứ dựa trên địa điểm có di sản thừa kế.
- Việc xác định địa điểm thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong quá trình mở thừa kế, phân chia di sản thừa kế. Hỗ trợ xác minh các thông tin liên quan đến chủ thể để lại di chúc cũng như thông tin liên quan đến di sản được để lại.
- Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về thời điểm, địa điểm mở thừa kế di sản. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.
➤ Tìm hiểu thêm: Em ruột có được thừa kế di sản của anh trai không?