Hình 1. Em ruột có được thừa kế di sản của anh trai không
Em ruột có được thừa kế di sản của anh trai không luôn là câu hỏi được đặt ra trong gia đình có anh, chị, em ruột. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Trong trường hợp nào thì em ruột được thừa kế di sản của anh trai? Bài viết sau đây sẽ giải đáp câu hỏi của bạn.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Quy định của pháp luật về thừa kế di sản.
1.1. Thừa kế di sản theo di chúc.
1.2. Thừa kế di sản theo pháp luật.
2. Em ruột có được thừa kế di sản của anh trai không?
2.1. Trường hợp 1: Anh trai có để lại di chúc.
2.2. Trường hợp 2: Anh trai không có để lại di chúc.
3. Thủ tục nhận di sản thừa kế của anh trai.
- Pháp luật không quy định khái niệm về thừa kế di sản. Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự 2015, có thể hiểu thừa kế di sản là việc một người được kế thừa di sản của người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật sau khi người để lại di sản đó chết. Như vậy, thừa kế di sản gồm hai loại đó là thừa kế di sản theo di chúc và thừa kế di sản theo pháp luật.
- Thừa kế di sản theo di chúc là việc người thừa kế được hưởng phần di sản theo di chúc của người để lại di sản. Theo đó, phần tài sản và người thừa kế hưởng di sản đều do người để lại di sản (người lập di chúc) định đoạt. Pháp luật tôn trọng ý chí của người lập di chúc. Tuy nhiên, căn cứ Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, một số đối tượng như con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì vẫn được thừa kế di sản mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Nghĩa là mặc dù ý chí của người lập di chúc không để lại di sản cho 06 đối tượng nêu trên hoặc để lại di sản nhưng di sản này có giá trị thấp hơn ⅔ suất của một người thừa kế theo pháp luật được hưởng thì 06 đối tượng này vẫn được hưởng di sản thừa kế bằng ít nhất ⅔ suất của một người thừa kế theo pháp luật được hưởng.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách tính 2/3 di sản thừa kế mới nhất.
- Căn cứ khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế di sản theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Người để lại di sản không có di chúc;
- Người để lại di sản có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp;
- Người để lại di sản có di chúc nhưng những người thừa kế theo di chúc này chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản hoặc cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc này không còn tồn tại vào thời điểm người để lại di sản chết (thời điểm mở thừa kế);
- Những người thừa kế được chỉ định trong di chúc nhưng không có quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật hoặc từ chối nhận di sản thừa kế.
- Như vậy, khi thuộc 01 trong 04 trường hợp nêu trên thì người thừa kế được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
- Như đã phân tích tại Mục 1, bởi vì thừa kế di sản được chia làm hai loại nên việc xem xét em ruột có được thừa kế di sản của anh trai hay không cũng được chia thành 2 trường hợp như sau:
- Trong trường hợp này, căn cứ vào di chúc để lại của người anh trai để xem xét người em ruột có được hưởng thừa kế di sản hay không. Cụ thể:
- Nếu trong di chúc người anh trai có chỉ định người thừa kế là người em ruột và phân chia phần di sản cho người em này thì người em sẽ là người thừa kế theo di chúc và được thừa kế phần di sản mà người anh trai đã phân định.
- Nếu trong di chúc người anh trai không chỉ định người thừa kế là người em ruột và không phân chia phần di sản cho người em này thì người em không được thừa kế di sản của anh trai để lại. Đồng thời, em ruột cũng không thuộc 1 trong 6 đối tượng được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nên người em ruột sẽ không được áp dụng điều luật này để thừa kế di sản của anh trai.
- Trường hợp anh trai không để lại di chúc thì áp dụng điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, di sản thừa kế của anh trai sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể những người thừa kế di sản được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha, mẹ (cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi), con (con đẻ và con nuôi) của người để lại di sản;
- Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông bà (ông, bà nội và ông, bà ngoại), anh, chị, em (ruột) của người để lại di sản; cháu ruột của người để lại di sản mà người đó là ông bà (ông, bà nội và ông, bà ngoại);
- Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: cụ (cụ nội, cụ ngoại) của người để lại di sản; bác, chú, cậu, cô, dì (ruột) của người để lại di sản; cháu ruột của người để lại di sản mà người đó là bác, chú, cậu, cô, dì (ruột); chắt ruột của người để lại di sản mà người đó là cụ (cụ nội, cụ ngoại).
- Theo đó, những người ở hàng thừa kế thứ hai chỉ được thừa kế di sản nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc những người đó từ chối nhận di sản. Hàng thừa kế thứ ba áp dụng tương tự.
- Như vậy, theo quy định pháp luật thì em ruột thuộc hàng thừa kế thứ hai nên người em chỉ được thừa kế di sản nếu hàng thừa kế thứ nhất như vợ, chồng, cha, mẹ (cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi), con (con đẻ và con nuôi) của người anh không còn ai. Trường hợp hàng thừa kế thứ nhất của người anh vẫn còn thì người em không được hưởng di sản thừa kế của người anh.
Hình 2. Thủ tục nhận di sản thừa kế của anh trai
- Như đã phân tích tại Mục 2, có hai trường hợp mà người em ruột có thể thừa kế di sản của anh trai là:
- Trường hợp 1: Hưởng di sản thừa kế theo di chúc;
- Trường hợp 2: Hưởng di sản thừa kế trong trường hợp hàng thừa kế thứ nhất của anh trai không còn ai.
- Khi được thừa kế di sản của anh trai, người em ruột cần phải thực hiện một trong các thủ tục sau:
- Trường hợp người em ruột là người thừa kế di sản duy nhất của anh trai theo pháp luật hoặc người em ruột thừa kế di sản của anh trai cùng với những người ở hàng thừa kế thứ hai mà cả em ruột và những người ở hàng thừa kế thứ hai thỏa thuận không phân chia di sản của anh trai thì thực hiện thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn thủ tục công chứng khai nhận di sản thừa kế chuẩn nhất.
- Trường hợp người em ruột và những người ở hàng thừa kế thứ hai thừa kế di sản của anh trai theo pháp luật hoặc người em ruột cùng với những người thừa kế khác thừa kế di sản của anh trai theo di chúc nhưng trong di chúc không phân định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì những người thừa kế thực hiện thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế mới nhất.
- Lưu ý: Trong trường hợp di sản thừa kế là đất đai, nhà ở hoặc những tài sản phải đăng ký theo quy định pháp luật thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản có công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người thừa kế di sản nói chung, người em ruột nói riêng.
- Trên đây là những thông tin pháp luật về Em ruột có được thừa kế di sản của anh trai không. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.