Những vấn đề pháp lý cần lưu ý về thời điểm mở thừa kế di sản
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản từ người đã mất sang người còn sống theo nguyện vọng của người đã mất. Vậy thời điểm mở thừa kế di sản là khi nào? Những vấn đề pháp lý nào cần lưu ý liên quan đến thời điểm mở thừa kế di sản? Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin pháp lý về vấn đề này theo quy định pháp luật mới nhất.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Thời điểm mở thừa kế di sản là gì?
2. Những vấn đề pháp lý liên quan đến thời điểm mở thừa kế di sản
2.1. Thực hiện các quyền của những người thừa kế di sản
2.2. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
2.3. Thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế
2.4. Phát sinh quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản
2.5. Xác định việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm
- Căn cứ vào khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”.
- Theo khoản 2 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết” trong các trường hợp sau đây khi người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết:
- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.
- Như vậy, tùy vào từng trường hợp (chết về mặt sinh học hoặc chết về mặt pháp lý) mà thời điểm mở thừa kế di sản của người chết sẽ được xác định khác nhau. Đối với người chết về mặt sinh học, thời điểm mở thừa kế di sản sẽ được xác định dựa trên giấy chứng tử của người chết. Đối với người chết về mặt pháp lý thì thời điểm mở thừa kế di sản sẽ được xác định dựa trên Quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án.
Căn cứ Điều 614 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.”. Việc xác định thời điểm mở thừa kế rất quan trọng vì khi xác định được thời điểm này thì sẽ xác định được thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế. Cụ thể:
- Kể từ thời điểm mở thừa kế thì:
- Người được hưởng di sản thừa kế được quyền khai nhận di sản thừa kế theo di chúc;
- Người được hưởng di sản thừa kế được quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nếu người để lại di sản không để lại di chúc hoặc người để lại di sản có để lại di chúc nhưng không nêu rõ phần di sản được hưởng của mỗi người;
- Người được hưởng di sản thừa kế được quyền khởi kiện chia di sản thừa kế nếu không thỏa thuận được việc phân chia thừa kế.
- Sau thời điểm mở thừa kế, những người được hưởng di sản thừa kế thực hiện các nghĩa vụ mà người chết để lại được quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”.
- Như vậy, bên cạnh được quyền hưởng di sản do người chết để lại thì người thừa kế phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng với phần di sản được hưởng của người chết để lại.
- Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu thừa kế như sau:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
- Như vậy, thời điểm mở thừa kế di sản là căn cứ để xác định việc khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế còn thời hiệu khởi kiện hay không.
- Căn cứ Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người quản lý di sản là “người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.”.
- Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
- Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
- Căn cứ vào Điều 619 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.”.
- Việc xác định thừa kế trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết rất quan trọng vì người nào chết trước thì người còn lại sẽ là người hưởng di sản của người đó. Tuy nhiên, trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc tại thời điểm mà không xác định được người nào chết trước thì họ sẽ không được hưởng di sản của nhau mà di sản của mỗi người sẽ do những người thừa kế theo pháp luật của họ hưởng, trừ trường hợp thế vị.
- Trên đây là những vấn đề pháp lý cần lưu ý về thời điểm mở thừa kế di sản. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp bạn còn thắc mắc về thời điểm mở di sản thừa kế, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 63 65 để được tư vấn miễn phí.