Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Tổng hợp những điều nên biết về thừa kế theo pháp luật

Tổng hợp những điều nên biết về thừa kế theo pháp luật

16/11/2021


Bạn đang quan tâm đến vấn đề thừa kế theo quy định pháp luật và cần tìm hiểu thông tin về hàng thừa kế và những trường hợp áp dụng. Cùng tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Tổng hợp những điều nên biết về thừa kế theo pháp luật
Tổng hợp những điều nên biết về thừa kế theo pháp luật

  Thừa kế theo pháp luật hiểu đơn giản là việc chuyển tài sản, quyền tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế mà pháp luật quy định cụ thể. Quy định của pháp luật về việc thừa kế như thế nào? Trường hợp nào áp dụng thừa kế theo pháp luật? Hàng thừa kế bao gồm những chủ thể nào? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1.Thừa kế theo pháp luật là gì?

2. Những trường hợp áp dụng thừa kế theo pháp luật

2.1  Trường hợp áp dụng

2.2  Di sản được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật

3. Hàng thừa kế theo quy định pháp luật

3.1 Hàng thừa kế thứ nhất

3.2 Hàng thừa kế thứ hai

3.3 Hàng thừa kế kế thứ ba

3.4 Một số lưu ý về hàng thừa kế theo quy định của pháp luật

1.Thừa kế theo pháp luật là gì?

  • Căn cứ theo quy định tại Điều 649 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì thừa kế theo pháp luật được hiểu là thừa kế theo hàng thừa kế (quy định tại Điều 651 Bộ Luật dân sự năm 2015). Điều kiện và trình tự của trường hợp thừa kế này sẽ do pháp luật quy định cụ thể.
  • Những cá nhân có tài sản, sau khi chết đi số tài sản còn lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 651 thì người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ nhân thân, huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng... Người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, năng lực pháp luật. Người thừa kế cùng chung một hàng thừa kế có quyền bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, đồng thời thực hiện những nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện được trong phạm vi di sản nhận.
  • Xét thấy quan hệ gia đình, huyết thống của một con người thông thường không chỉ vỏn vẹn trong 2,3 người. Pháp luật dự trù được phạm vi những người có mối quan hệ gia đình, huyết thống gần gũi với người đã chết là rất nhiều. Vì vậy phải quy định thành từng hàng thừa kế cụ thể để xác định những người có quyền ưu tiên hưởng thừa kế. Tuy nhiên không phải bất kì trường hợp nào việc thừa kế cũng sẽ được tiến hành phân chia theo quy định pháp luật. Vậy cùng tìm hiểu về những trường hợp thừa kế sẽ được chia theo quy định pháp luật ở mục 2 nhé!

2. Những trường hợp áp dụng thừa kế theo pháp luật

2.1  Trường hợp áp dụng

Những trường hợp áp dụng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 650, Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

  • Trường hợp người đã chết không để lại di chúc;
  • Trường hợp có di chúc, nhưng di chúc đó không hợp pháp theo quy định pháp luật. Ví dụ: ông A lập di chúc trong trạng thái không minh mẫn, bị lừa dối, đe dọa và bà B (vợ ông A) chứng minh được ông A bị người thứ ba đe dọa để viết di chúc thì di chúc đó sẽ bị vô hiệu, không có giá trị pháp lý;
  • Trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều chết trước người lập di chúc; cơ quan/tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
  • Trường hợp những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.
    • Người không có quyền hưởng di sản: được quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015;
    • Người từ chối nhận di sản: được quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015.

2.2  Di sản được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật

  • Căn cứ tại Điều 612 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì di sản bao gồm cả phần tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong phần tài sản chung với người khác.
  • Tuy nhiên không phải di sản nào cũng được áp dụng để chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể di sản áp dụng được quy định tại khoản 2, Điều 650, Bộ luật dân sự năm 2015:
    • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc. Ví dụ ông A có 1 căn nhà, và 1 sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng, nhưng khi ông chết ông chỉ để lại di chúc chia căn nhà cho B, C, D. Tuy nhiên ông không đề cập đến sổ tiết kiệm 500 triệu đồng thì tài sản này sẽ được chia theo quy định của pháp luật;
    • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật. Ví dụ: ông A và vợ là bà B có 1 căn nhà, nhưng ông A chết đi và để lại di chúc chia toàn bộ căn nhà cho các con thì sẽ bị vô hiệu một phần. Vì căn nhà đó là tài sản chung của ông A và bà B nên ông A chỉ có quyền chia tài sản phần của mình cho các con, phần còn lại vẫn thuộc sở hữu của bà B;
    • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

3. Hàng thừa kế theo quy định pháp luật

Hàng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, theo thứ tự cụ thể như sau:

3.1 Hàng thừa kế thứ nhất

Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ/chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

  • Lưu ý trong quan hệ thừa kế của vợ/chồng:
    • Trường hợp vợ/chồng đang trong mối quan hệ hôn nhân: căn cứ thông qua giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
    • Trường hợp vợ/chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản của người đã chết(khoản 1 Điều 655 Bộ luật dân sự 2015);
    • Trường hợp vợ/chồng đang tiến hành thủ tục ly hôn nhưng chưa có quyết định hoặc bản án chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người sống vẫn được hưởng di sản thừa kế(khoản 2 Điều 655 Bộ luật dân sự 2015);
    • Trường hợp người đang là vợ/chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản (khoản 3 Điều 655 Bộ luật dân sự 2015).
  • Lưu ý trong quan hệ thừa kế của cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi:
    • Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ có quyền thừa kế di sản của nha thông qua giấy khai sinh, hoặc giấy tờ có thể chứng minh quan hệ huyết thống với nhau. Trường hợp con đẻ không phân biệt con trong/ngoài giá thú. Đã là con đẻ thì đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định pháp luật (Điều 653 Bộ luật dân sự 2015);
    • Trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi cũng được áp dụng tương tự trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ. Tuy nhiên, con nuôi chỉ phát sinh quan hệ với người cha nuôi, mẹ nuôi có quan hệ nuôi dưỡng với mình. Những mối quan hệ với gia đình (cô, dì, chú bác…) của cha mẹ nuôi thì con nuôi không đương nhiên được quyền xác lập. Đồng thời trường hợp cha nuôi hoặc mẹ nuôi kết hôn với người khác thì con nuôi cũng không đương nhiên được thừa kế di sản của người mà cha/mẹ nuôi kết hôn cùng (Điều 653 Bộ luật dân sự 2015);
    • Trường hợp con riêng, bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha, mẹ, con thì được hưởng di sản theo quy định pháp luật (Điều 654 Bộ luật dân sự 2015).

3.2 Hàng thừa kế thứ hai

  • Hàng thừa kế thứ hai, bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu gọi người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Pháp luật quy định hàng thừa kế thứ hai vì có một số trường hợp vì sự cố, bệnh tật … và nhiều lý do khác cha mẹ mất đi để lại cháu cho ông bà nuôi dưỡng. Sau đó ông/ bà chết đi để lại di sản và trong trường hợp này hàng thừa kế thứ nhất đã không còn ai thì những người thuộc quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng sẽ tiếp tục được xem xét để chia di sản thừa kế của người đã chết. Hoặc trong trường hợp thừa kế thế vị theo Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015.
  • Anh ruột, chị ruột, em ruột thuộc trường hợp người thừa kế ở hàng thứ hai của nhau. Anh ruột, chị ruột, em ruột được hiểu là anh chị em cùng mẹ hoặc cùng cha.  Đối với con riêng của vợ và con riêng của chồng không được xác định là anh/chị/em ruột của nhau. Vì thế mối quan hệ này không được thừa hưởng di sản của nhau.
  • Trường hợp con nuôi của một người thì có mối quan hệ anh/chị/em ruột với con đẻ của người đó. Vì vậy mối quan hệ giữa con nuôi của một người và con đẻ của người đó chỉ được xem là quan hệ gần gũi, gia đình nhưng không có quyền thừa kế di sản của nhau theo quy định của pháp luật.

3.3 Hàng thừa kế kế thứ ba

  • Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  • Pháp luật dự trù trường hợp xét theo mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng tại hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai không còn ai sống, không có quyền thừa kế, từ chối hưởng di sản thì sẽ xem xét đến các mối quan hệ thân nhân khác.

3.4 Một số lưu ý về hàng thừa kế theo quy định của pháp luật

  • Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Ví dụ vợ/chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ sẽ được chia phần di sản ra các phần bằng nhau và mỗi người hưởng một phần, đồng thời chịu nghĩa vụ phát sinh đi kèm cùng di sản thừa kế được hưởng.
  • Vậy có phải hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ ba đều được hưởng một phần di sản bằng nhau hay không? Câu trả lời là KHÔNG, theo quy định pháp luật tại khoản 3, Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015.
    • Đối với hàng người được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất sẽ được ưu tiên trong trường hợp phân chia di sản theo quy định của pháp luật;
    • Đối với những người được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai chỉ được hưởng di sản khi những người ở hàng thừa kế thứ nhất không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản;
    • Đối với những người được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba chỉ được hưởng di sản khi những người ở hàng thừa kế thứ nhất và hàng thừa kế thứ hai không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
  • Trên đây là một số thông tin liên quan thừa kế theo pháp luật mà bạn đọc có thể tham khảo. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 63 65 để được Văn phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng hỗ trợ, tư vấn thêm về quy định thừa kế theo pháp luật trong trường hợp cụ thể.