Hình 1. Phân chia di sản thừa kế khi chồng mất
Phân chia di sản thừa kế luôn là vấn đề được mọi người đặc biệt quan tâm. Vậy, trường hợp người chồng mất, di sản thừa kế của người chồng được phân chia di như thế nào? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Bài viết sau đây sẽ giải đáp tất cả những vấn đề đó.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Di sản thừa kế của chồng đã mất.
2. Phân chia di sản thừa kế khi chồng mất.
2.1. Xác định di sản thừa kế của chồng.
2.2. Chia di sản thừa kế khi chồng có để lại di chúc.
2.3. Chia di sản thừa kế khi chồng không để lại di chúc.
3. Thời hiệu yêu cầu chia di sản của chồng đã mất.
- Hiện nay, pháp luật không quy định khái niệm di sản thừa kế là gì. Theo đó, di sản thừa kế có thể được hiểu đó là tài sản của người chết để lại cho người còn sống. Tài sản này phải được xác lập hợp pháp và người chết là chủ sở hữu tài sản này. Căn cứ Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015, di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung của người khác. Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản (có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai).
- Như vậy, di sản thừa kế của chồng đã mất là toàn bộ tài sản của người chồng để lại cho những người thừa kế, bao gồm những tài sản thuộc sở hữu riêng của chồng và phần tài sản của người chồng trong tài sản chung của người khác như phần tài sản của người chồng trong tài sản chung của vợ chồng,...
- Việc đầu tiên cần làm trước khi phân chia di sản thừa kế của người chồng đã mất là xác định di sản thừa kế của người chồng.
- Đối với di sản thuộc tài sản riêng của người chồng: Căn cứ Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản riêng của chồng gồm tài sản mà người chồng có trước khi kết hôn; tài sản người chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của chồng; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của chồng cũng là tài sản riêng của chồng. Đối với những tài sản pháp luật bắt buộc phải đăng ký thì tài sản đó thuộc tài sản riêng của người chồng khi giấy chứng nhận, giấy đăng ký tài sản đó ghi tên người chồng là chủ sở hữu tài sản.
- Đối với phần di sản của người chồng trong tài sản chung của vợ chồng: Căn cứ Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi chồng chết (chết về mặt sinh học) hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết (chết về mặt pháp lý) thì vợ là người quản lý tài sản chung của vợ chồng. Nếu trong di chúc của chồng có chỉ định người khác quản lý di sản thừa kế hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản thì người được chỉ định trong di chúc hoặc người được những người thừa kế đề cử thực hiện quản lý di sản. Khi có yêu cầu về chia di sản của người chồng đã mất thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nếu vợ chồng không có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
- Như vậy, với quy định trên, trường hợp người chồng chết và người chồng có phần tài sản trong tài sản chung của vợ chồng thì người vợ sẽ là người quản lý tài sản nếu người chồng không để lại di chúc và không chỉ định người quản lý tài sản. Khi người vợ hoặc người con hoặc người thừa kế khác có yêu cầu chia di sản thừa kế của người chồng thì phần tài sản của người chồng chiếm 1/2 trong tài sản chung của vợ chồng, 1/2 phần tài sản còn lại trong tài sản chung của vợ chồng là của người vợ. Trường hợp vợ chồng có thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng thì phần tài sản của người chồng được xác định theo văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng đó.
- Như vậy, tổng di sản thừa kế của người chồng để lại sẽ bao gồm những tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người chồng và 1/2 phần tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng (hoặc một tỷ lệ khác theo văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng nếu có). Từ đó, khi những người thừa kế của người chồng yêu cầu chia di sản thừa kế mà người chồng để lại thì sẽ phân chia di sản theo hai trường hợp: người chồng có để lại di chúc và người chồng không để lại di chúc.
- Căn cứ khoản 1, 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế và phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng. Như vậy, khi người chồng để lại di chúc thì những người được nêu trong di chúc là những người thừa kế có quyền hưởng di sản thừa kế mà người chồng để lại. Mỗi người hưởng phần di sản được nêu trong di chúc. Trường hợp trong di chúc của người chồng để lại không nêu rõ phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng thì những người thừa kế thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế mới nhất.
- Lưu ý: căn cứ Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, 05 đối tượng sau đây sẽ được hưởng di sản thừa kế của người chồng mặc dù trong di chúc của người chồng không chỉ định 05 đối tượng đó được hưởng di sản thừa kế hoặc được chỉ định mà phần di sản được hưởng ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế của người chồng được chia theo pháp luật, cụ thể:
- Con chưa thành niên;
- Cha;
- Mẹ;
- Vợ;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
- 05 đối tượng nêu trên sẽ nhận được 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế của người chồng được chia theo pháp luật. Nếu 05 đối tượng nêu trên từ chối nhận di sản thừa kế theo quy định tại Điều 620 hoặc họ thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì họ sẽ không được áp dụng Điều 644 để hưởng di sản thừa kế của người chồng.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách tính 2/3 di sản thừa kế mới nhất.
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 650 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người chồng không để lại di chúc thì di sản của người chồng sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể: những người thừa kế theo pháp luật của người chồng được xác định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chồng;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chồng; cháu ruột của người chồng mà người chồng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chồng; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chồng; cháu ruột của người chồng mà người chồng là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chồng mà người chồng là cụ nội, cụ ngoại.
- Theo đó, những người thừa kế cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản thừa kế của người chồng bằng nhau.
- Lưu ý: Những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai chỉ được hưởng di sản thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do những người ở hàng thừa kế thứ nhất đã chết hoặc họ không có quyền hưởng di sản hoặc họ bị truất quyền hưởng di sản hoặc họ từ chối nhận di sản.
- Như vậy, khi người chồng không để lại di chúc thì những người ở hàng thừa kế thứ nhất của người chồng gồm vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chồng sẽ ưu tiên được chia và hưởng di sản thừa kế. Người chồng có tổng bao nhiêu người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất thì di sản thừa kế sẽ được chia thành bấy nhiêu phần bằng nhau và mỗi người được hưởng một phần.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Tổng hợp những điều nên biết về thừa kế theo pháp luật.
Hình 2. Thời hiệu yêu cầu chia di sản của chồng đã mất
- Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu để những người thừa kế của người chồng yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (kể từ thời điểm người chồng mất). Thời điểm người chồng mất được nêu trong Giấy chứng tử đối với trường hợp người chồng chết về mặt sinh học hoặc thời điểm được nêu trong Quyết định của Tòa án tuyên bố người chồng mất đối với trường hợp người chồng chết về mặt pháp lý. Nếu hết thời hạn yêu cầu chia di sản thừa kế nêu trên mà những người thừa kế không yêu cầu chia di sản thừa kế thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
- Trên đây là những thông tin pháp luật về Phân chia di sản thừa kế khi chồng mất. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.