Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà

Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà

26/01/2022


Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà được thực hiện như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà được thực hiện như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà

Hình 1. Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà

  Khi tiến hành đặt cọc nói chung và đặt cọc thuê nhà nói riêng, các bên trong hợp đồng đặt cọc đều thắc mắc đến vấn đề công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà. Vậy, thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà được thực hiện như thế nào? Bài viết sau sẽ giải đáp câu hỏi đó và những vấn đề pháp lý liên quan.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1.  Hợp đồng đặt cọc thuê nhà là gì?

2. Hợp đồng đặt cọc thuê nhà bắt buộc công chứng không?

3. Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà.

3.1. Thành phần hồ sơ.

3.2. Các bước thực hiện.

4. Phí công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà.

1.  Hợp đồng đặt cọc thuê nhà là gì?

  • Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nên việc đặt cọc không bắt buộc phải có trong các giao dịch nói chung và giao dịch thuê nhà nói riêng. Tuy nhiên, nhà là tài sản có giá trị cao và để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên thì các bên vẫn nên tiến hành giao kết hợp đồng đặt cọc. Căn cứ khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng đặt cọc là việc bên đặt cọc giao tài sản đặt cọc (có thể là một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác) cho bên nhận đặt cọc trong một thời hạn nhất định để đảm bảo hợp đồng được giao kết hoặc thực hiện. Như vậy, hợp đồng đặt cọc thuê nhà là việc bên đặt cọc (bên thuê nhà) giao tài sản đặt cọc (thông thường là một khoản tiền) cho bên nhận đặt cọc (bên cho thuê nhà) để đảm bảo việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng thuê nhà trong một khoảng thời gian nhất định.

2. Hợp đồng đặt cọc thuê nhà bắt buộc công chứng không?

  • Hiện nay, pháp luật không quy định về hình thức của hợp đồng đặt cọc thuê nhà. Nghĩa là việc đặt cọc giữa các bên có thể được lập bằng lời nói hoặc văn bản (có công chứng, chứng thực hoặc không có công chứng, chứng thực) tùy theo nhu cầu và thỏa thuận. Tuy nhiên, trường hợp các bên giao kết hợp đồng đặt cọc thuê nhà bằng lời nói thì khi có tranh chấp xảy ra, các bên khó có thể chứng minh về việc các bên đã từng thỏa thuận về việc đặt cọc này. Do đó, các bên vẫn nên lập hợp đồng đặt cọc thuê nhà bằng văn bản và nếu có thể, các bên nên thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng đặt cọc thuê nhà.
  • Theo đó, công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà là thủ tục được thực hiện bởi công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng nhằm chứng nhận tính hợp pháp của hợp đồng đặt cọc thuê nhà về mặt nội dung (không trái quy định pháp luật và đạo đức xã hội) và mặt hình thức (chủ thể, thời gian và địa điểm giao kết hợp đồng).
  • So với công chứng, chứng thực hợp đồng đặt cọc thuê nhà là thủ tục được thực hiện bởi người thực hiện chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhằm chứng nhận tính hợp pháp của mặt hình thức (chủ thể, thời gian và địa điểm giao kết hợp đồng), không chứng nhận về mặt nội dung của hợp đồng đặt cọc thuê nhà.
  • Sau khi hợp đồng đặt cọc thuê nhà được công chứng hoặc chứng thực thì những tình tiết, sự kiện được nêu trong hợp đồng đặt cọc thuê nhà sẽ không phải chứng minh nếu không may các bên xảy ra tranh chấp và khởi kiện ra Tòa án (theo điểm c khoản 1 Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Bài viết có thể bạn quan tâm: Giấy tờ công chứng, chứng thực có hiệu lực bao lâu?

3. Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà.

 Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà ( ảnh minh họa )

Hình 2. Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà ( ảnh minh họa )

  • Căn cứ Điều 40, 41, 42 Luật Công chứng 2014 quy định thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà như sau:

3.1. Thành phần hồ sơ.

  • Hồ sơ công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà bao gồm các loại giấy tờ sau:
  • Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng);
  • Dự thảo Hợp đồng đặt cọc thuê nhà (nếu có);
  • Bản chính Giấy tờ tùy thân của các bên trong hợp đồng đặt cọc thuê nhà: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
  • Bản chính giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân: Giấy đăng ký kết hôn, Giấy xác nhận tình trạng độc thân,...;
  • Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản trong trường hợp tài sản đặt cọc là bất động sản hoặc tài sản phải đăng ký theo quy định pháp luật.

3.2. Các bước thực hiện.

  • Bước 1: Nộp hồ sơ:
  • Các bên nộp 01 bộ hồ sơ nêu trên tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng).
  • Người yêu cầu có thể yêu cầu công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng nếu thuộc trường hợp là người già yếu, không thể đi lại được,... hoặc có lý do chính đáng khác.
  • Lưu ý: bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc đều phải có mặt khi thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Lưu ý về thủ tục công chứng tại nhà mà bạn nên biết

  • Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ:
  • Công chứng viên tiến hành tiếp nhận và kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu.
  • Nếu hồ sơ đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên tiến hành thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
  • Nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên đề nghị các bên làm rõ; trường hợp các bên không thể làm rõ được thì công chứng viên từ chối việc công chứng.
  • Bước 3: Thực hiện công chứng:
  • Trường hợp các bên có dự thảo hợp đồng đặt cọc thuê nhà: Công chứng viên kiểm tra dự thảo; nếu nội dung dự thảo vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì các bên chỉnh sửa theo yêu cầu của công chứng viên. Nếu không sửa chữa thì công chứng viên từ chối công chứng.
  • Trường hợp các bên không có dự thảo hợp đồng đặt cọc thuê nhà: Công chứng viên soạn thảo hợp đồng đặt cọc thuê nhà theo yêu cầu các bên nếu nội dung, ý định giao kết là xác thực, không vi phạm điều cấm luật và không trái đạo đức xã hội.
  • Các bên tự đọc lại dự thảo hợp đồng đặt cọc thuê nhà. Các bên đồng ý toàn bộ nội dung hợp đồng đặt cọc thuê nhà thì ký tên vào từng trang của hợp đồng đặt cọc thuê nhà.
  • Công chứng viên ghi lời chứng, ký tên và đóng dấu tổ chức hành nghề công chứng.
  • Bước 4: Trả kết quả:
  • Công chứng viên thu phí, thù lao công chứng, trả hồ sơ cho người yêu cầu.
  • Thời hạn công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà: không quá 02 ngày làm việc; trường hợp hợp đồng đặt cọc thuê nhà có nội dung phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài không quá 10 ngày làm việc.

4. Phí công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà.

  • Căn cứ khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định người yêu cầu công chứng phải nộp phí công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà là 40 nghìn đồng/trường hợp.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Một số vấn đề cần lưu ý khi đặt cọc mua bán nhà?

  • Trên đây là những thông tin pháp luật về Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc thuê nhà. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.