Hợp đồng ủy quyền khi một bên chết có giá trị pháp lý hay không?
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Hợp đồng ủy quyền là gì?
1.1 Khái niệm hợp đồng ủy quyền.
1.2 Xác định thời hạn của hợp đồng ủy quyền.
2. Giá trị pháp lý của hợp đồng ủy quyền khi một bên chết.
3. Khi nào hợp đồng ủy quyền chấm dứt?
Hợp đồng ủy quyền là loại hợp đồng được sử dụng thường xuyên vì có rất nhiều công việc mà một chủ thể không thể tự mình thực hiện. Vậy trong quan hệ ủy quyền khi một bên chết thì hợp đồng có giá trị pháp lý hay không? Khi nào hợp đồng ủy quyền chấm dứt?
- Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 có thể hiểu hợp đồng ủy quyền là văn bản thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên để thực hiện công việc ủy quyền. Theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc đã thỏa thuận đại diện và nhân danh bên ủy quyền. Đồng thời trong trường hợp các bên có thỏa thuận về thù lao thì sau khi hoàn tất công việc theo hợp đồng ủy quyền hoặc theo quy định pháp luật thì bên ủy quyền phải trả thù lao cho bên được ủy quyền.
- Căn cứ theo quy định tại Điều 563 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận để xác định thời gian cụ thể hoặc do pháp luật quy định. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền sẽ có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập hợp đồng ủy quyền.
- Pháp luật cho phép các bên lựa chọn mốc thời gian cụ thể để làm thời hạn ủy quyền. Trường hợp các bên không thống nhất được mốc thời hạn hoặc không quy định cụ thể trong hợp đồng ủy quyền thì thời hạn có hiệu lực của hợp đồng là 01 năm, kể từ ngày các bên xác lập giao dịch ủy quyền.
- Đầu tiên, xét theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật dân sự 2015, có thể hiểu cá nhân giao kết hợp đồng chết, hoặc pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện thì hiệu lực của hợp đồng sẽ chấm dứt. Vậy trong mối quan hệ đại diện ủy quyền thuộc trường hợp bắt buộc phải do chính người đã chết/pháp nhân chấm dứt tồn tại thực hiện thì hợp đồng ủy quyền đó không còn giá trị pháp lý sau khi người giao kết chết/pháp nhân giao kết chấm dứt tồn tại.
- Xét về đặc điểm của hợp đồng ủy quyền có thể thấy đây là loại hợp đồng song vụ, theo đó bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ tương ứng. Căn cứ tại khoản 8, khoản 9 Điều 372 Bộ luật dân sự 2015 căn cứ chấm dứt nghĩa vụ bao gồm:
- Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết/pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ quy định phải do chính cá nhân/pháp nhân đó thực hiện;
- Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác.
- Nghĩa là trong trường hợp bên nhận ủy quyền/bên ủy quyền là cá nhân chết/pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền phải do chính bên nhận ủy quyền/bên ủy quyền thực hiện thì nghĩa vụ chấm dứt và hợp đồng ủy quyền cũng không còn giá trị hiệu lực.
- Ngoài ra nếu bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế thì hợp đồng ủy quyền cũng sẽ chấm dứt, nếu là pháp nhân thì quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác thì quan hệ đại diện theo ủy quyền cũng sẽ không còn giá trị pháp lý sau khi pháp nhân chấm dứt tồn tại.
- Tóm lại, giá trị pháp lý của hợp đồng ủy quyền khi một bên chết sẽ không còn khi quan hệ đại diện theo ủy quyền bắt buộc phải do chính chủ thể đã giao kết hợp đồng thực hiện.
➤ Tìm hiểu thêm về: Yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.
Khi nào hợp đồng ủy quyền chấm dứt?
- Bên cạnh trường hợp một bên trong quan hệ ủy quyền chết đã được trình bày ở mục 2 thì pháp luật còn quy định thêm một số căn cứ xác định việc chấm dứt hợp đồng tại Điều 422, Bộ luật dân sự 2015. Hợp đồng ủy quyền có thể chấm dứt trong một số trường hợp sau:
- Công việc ủy quyền theo hợp đồng đã được hoàn thành. Ví dụ trong trường hợp A lập hợp đồng và ủy quyền cho B đại diện A tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp dân sự. Vậy khi đã có quyết định/bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật và không bị các bên kháng cáo kháng nghị thì hợp đồng ủy quyền tham gia tố tụng chấm dứt;
- Theo thỏa thuận của các bên. Ví dụ trong trường hợp A ủy quyền cho B thực hiện công chứng hợp đồng mua bán nhà chung cư. Trong quá trình thực hiện công việc A đổi ý và không muốn B thực hiện công việc đại diện ủy quyền hoặc A có thể trực tiếp tham gia thì A thỏa thuận với B và chấm dứt hiệu lực của hợp đồng ủy quyền;
- Hợp đồng ủy quyền hết hạn. Theo quy định pháp luật về thời hạn hợp đồng ủy quyền sẽ được các bên thỏa thuận; theo quy định pháp luật cụ thể; có thời hạn 01 năm. Vậy trong trường hợp công việc đến thời điểm hết hạn vẫn chưa thực hiện xong thì hợp đồng ủy quyền vẫn chấm dứt. Các bên có quyền tiến hành gia hạn hợp đồng ủy quyền hoặc lập hợp đồng ủy quyền mới;
- Hợp đồng ủy quyền bị đơn phương chấm dứt thực hiện theo quy định tại Điều 569 Bộ luật dân sự 2015.
- Trên đây là một số tư vấn tổng quan về hợp đồng ủy quyền khi một bên chết có giá trị pháp lý hay không? Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.
➤ Bài viết bạn có thể quan tâm: Hợp đồng ủy quyền chấm dứt khi nào?