Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Gửi giữ di chúc ở đâu?

Gửi giữ di chúc ở đâu?

06/01/2022


Đề phòng trường hợp người lập di chúc đột ngột qua đời pháp luật cho phép người lập di chúc gửi giữ di chúc cho chủ thể khác. Vậy gửi giữ di chúc diễn ra ở đâu?

Gửi giữ di chúc ở đâu?

Gửi giữ di chúc ở đâu?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Gửi giữ di chúc ở đâu?

2. Lưu giữ di chúc tại Tổ chức hành nghề công chứng.

2.1 Lưu giữ di chúc tại Tổ chức hành nghề công chứng.

2.2 Thời hạn lưu giữ di chúc tại Tổ chức hành nghề công chứng.

3. Gửi người khác lưu giữ di chúc.

4. Nghĩa vụ của chủ thể nhận gửi giữ di chúc.

  Di chúc thông thường sẽ được người lập di chúc tự mình lưu giữ. Tuy nhiên đề phòng trường hợp người lập di chúc đột ngột qua đời pháp luật cho phép người lập di chúc gửi giữ di chúc cho người khác. Vậy gửi giữ di chúc ở đâu? Chủ thể nào có quyền nhận lưu giữ di chúc?

1. Gửi giữ di chúc ở đâu?

  • Di chúc là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết được trình bày dưới dạng văn bản hoặc lời nói. Theo quy định tại Điều 641, Bộ luật dân sự 2015 thì người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ di chúc hoặc gửi người khác lưu giữ bản di chúc của mình. Vậy theo quy định của pháp luật có hai chủ thể có thể gửi giữ di chúc đó là:
  • Tổ chức hành nghề công chứng;
  • Người khác nhận gửi giữ di chúc có thể là người thân quen hoặc tin tưởng của người lập di chúc.

Xem thêm về: Có được lập di chúc chung của vợ chồng hay không?

2. Lưu giữ di chúc tại Tổ chức hành nghề công chứng

2.1 Lưu giữ di chúc tại Tổ chức hành nghề công chứng

  • Theo quy định của pháp luật thì tổ chức hành nghề công chứng bao gồm: Phòng công chứng nhà nước và Văn phòng công chứng tư nhân. Đối với thủ tục lưu giữ di chúc tại Tổ chức hành nghề công chứng sẽ được thực hiện theo pháp luật về dân sự, tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc phải tiến hành niêm phong di chúc theo quy định của pháp luật trước mặt người lập di chúc và ghi vào sổ lưu giữ để có thể đảm bảo chắc chắn việc lưu giữ đã được mọi người chứng kiến, tránh những tranh chấp sau này. Sau đó, Công chứng viên phải lập Giấy nhận lưu giữ di chúc gồm hai bản, một bản cấp cho người lập di chúc và một bản được lưu trữ tại tổ chức hành nghề công chứng.

2.2 Thời hạn lưu giữ di chúc tại Tổ chức hành nghề công chứng

  • Căn cứ theo khoản 2, Điều 64, Luật công chứng 2014 thì “bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; trường hợp lưu trữ ngoài trụ sở thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp”. Vậy di chúc cũng như các giấy tờ khác sẽ được lưu giữ tại trụ sở của Văn phòng công chứng/Phòng công chứng ít nhất là 20 năm.
  • Theo quy định tại Điều 60, Luật công chứng năm 2014 trong trường hợp di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức nhận lưu giữ chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì trước khi thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng cần phải thỏa thuận với người đã lập và lưu trữ di chúc tại đây về việc sẽ chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác để lưu giữ di chúc. Trong trường hợp không có thỏa thuận/không thỏa thuận được thì di chúc và chi phí nhận lưu giữ di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc.

3. Gửi người khác lưu giữ di chúc

  • Đối với trường hợp gửi người khác lưu giữ di chúc thì người lập di chúc có thể gửi di chúc đến một người mà mình có quan hệ chặt chẽ, tin tưởng khi còn sống để đảm bảo việc phân chia di sản sau khi người lập di chúc chết đúng với mong muốn, nguyện vọng của mình. Pháp luật không quy định về người lưu giữ di chúc nên người để lại di chúc có thể lựa chọn chủ thể lưu giữ theo mong muốn của bản thân. Người lập di chúc nên biết rõ một số thông tin cơ bản về người gửi giữ bản di chúc để có thể tin tưởng giao di chúc cho người đó giữ gìn và bảo quản.

4. Nghĩa vụ của chủ thể nhận gửi giữ di chúc

 Nghĩa vụ của chủ thể nhận gửi giữ di chúc

Nghĩa vụ của chủ thể nhận gửi giữ di chúc

  • Thứ nhất, chủ thể nhận gửi giữ di chúc phải giữ bí mật nội dung di chúc. Việc công bố nội dung của di chúc phải phù hợp với quy định pháp luật. Nếu không có sự cho phép của người lập di chúc thì chủ nhận gửi giữ di chúc phải đảm bảo nội dung của di chúc luôn được bảo mật. Giữ bí mật nội dung di chúc là việc bảo vệ quyền cá nhân riêng tư của người lập di chúc, đồng thời bảo vệ được hoạt động phân chia di sản diễn ra minh bạch, rõ ràng. Tránh việc những người thừa kế biết được nội dung di chúc và thực hiện hành vi thay đổi/giả mạo nội dung di chúc nhằm kiếm lợi cho bản thân.
  • Thứ hai, chủ thể nhận gửi giữ di chúc phải bảo quản di chúc. Nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc. Người nhận gửi giữ có thể được nhận khoản thù lao nhất định theo thỏa thuận giữa người lập di chúc và người nhận gửi giữ. Hoạt động gửi giữ di chúc đòi hỏi sự cẩn trọng trong việc giữ gìn và bảo quản. Nếu bị hư hại thì phải thông báo ngay cho người lập di chúc để tìm hướng xử lý phù hợp.
  • Thứ ba, chủ thể nhận gửi giữ di chúc phải giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Mục đích của hoạt động gửi giữ di chúc là dự trù cho việc khi người lập di chúc chết đột ngột sẽ có chủ thể khác thay mặt họ để tiến hành giao lại bản di chúc. Hoạt động giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng để đảm bảo bản di chúc được giao cho đúng người tiến hành thủ tục công bố di chúc chúc.
  • Lưu ý: Chủ thể nhận gửi giữ là tổ chức hành nghề công chứng bên cạnh các nghĩa vụ nêu trên, cần phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về công chứng.
  • Trên đây là một số vấn đề gửi đến bạn đọc liên quan đến hoạt động gửi giữ di chúc. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Có thể bạn quan tâm về: Có được lập di chúc truất quyền thừa kế không?