Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Có được lập di chúc truất quyền thừa kế không?

Có được lập di chúc truất quyền thừa kế không?

23/12/2021


Bạn đang thắc mắc người lập di chúc có quyền lập di chúc để truất quyền thừa kế của người thừa kế hay không. Bài viết sau sẽ giải đáp thắc mắc đó của bạn.

Có được lập di chúc truất quyền thừa kế không
Hình 1. Có được lập di chúc truất quyền thừa kế không

  Thông thường, những người thừa kế nghĩ rằng chỉ cần thuộc diện thừa kế thì sẽ được hưởng di sản thừa kế của người để lại di sản thừa kế. Tuy nhiên, ít ai biết rằng pháp luật còn quy định trường hợp truất quyền thừa kế. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về truất quyền thừa kế? Hãy theo dõi bài viết sau đây.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Truất quyền thừa kế là gì?

2. Có được lập di chúc truất quyền thừa kế không?

3. Thủ tục công chứng di chúc truất quyền thừa kế.

3.1. Thành phần hồ sơ.

3.2. Các bước thực hiện.

4. Trường hợp bị truất quyền thừa kế nhưng vẫn được hưởng di sản thừa kế.

1. Truất quyền thừa kế là gì?

  • Hiện nay, pháp luật không quy định khái niệm truất quyền thừa kế. Theo Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế là việc một người được hưởng di sản thừa kế của người để lại di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Từ đó, truất quyền thừa kế có thể được hiểu đó là việc một người không được hưởng di sản thừa kế của người để lại di sản. Như vậy, nếu người đó không bị truất quyền thừa kế thì người đó đương nhiên được hưởng di sản thừa kế theo quy định pháp luật hoặc theo di chúc.

2. Có được lập di chúc truất quyền thừa kế không?

  • Căn cứ khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền “truất quyền hưởng di sản của người thừa kế”. Như vậy, người lập di chúc (người để lại di sản) có quyền lập di chúc truất quyền thừa kế của người thừa kế. Khi người lập di chúc lập di chúc truất quyền thừa kế của người thừa kế thì người bị truất quyền thừa kế không được hưởng di sản thừa kế của người lập di chúc theo nội dung di chúc.
  • Việc người thừa kế nào đó bị truất quyền thừa kế cũng ảnh hưởng đến việc chia di sản thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc trong trường hợp di chúc của người lập di chúc để lại không nêu rõ phần di sản được chia cho từng người thừa kế. Cụ thể, căn cứ khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chia di sản thừa kế theo pháp luật, người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng di sản thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước bởi vì họ đã chết, họ không có quyền hưởng di sản, họ bị truất quyền hưởng di sản hoặc họ từ chối nhận di sản. Như vậy, có thể hiểu nếu những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất không còn ai do bị truất quyền thừa kế, đã chết, từ chối nhận di sản thừa kế hoặc không được quyền nhận di sản thì những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng di sản thừa kế. Áp dụng tương tự đối với hàng thừa kế thứ ba.

3. Thủ tục công chứng di chúc truất quyền thừa kế.

  • Khi tiến hành lập di chúc thì người lập di chúc có thể đồng thời tiến hành truất quyền thừa kế của người thừa kế nào đó trong bản di chúc. Di chúc truất quyền thừa kế phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể, hình thức và nội dung của di chúc hợp pháp mà Bộ luật Dân sự 2015 quy định.

Xem thêm tại bài viết: Những điều nên biết về di chúc hợp pháp.

  • Tuy nhiên, bài viết sau đây sẽ hướng dẫn về thủ tục công chứng di chúc truất quyền thừa kế -  một thủ tục được sử dụng phổ biến hiện nay. Căn cứ Điều 40, 41, 56 Luật Công chứng 2014 quy định trình tự, thủ tục công chứng di chúc truất quyền thừa kế.

3.1. Thành phần hồ sơ.

  • Hồ sơ công chứng di chúc truất quyền thừa kế gồm các loại giấy tờ sau:
    • Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng;
    • Dự thảo Di chúc (nếu có);
    • Bản chính Giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn thời hạn và giá trị sử dụng của người yêu cầu công chứng;
    • Bản chính Giấy chứng nhận sở hữu, sử dụng tài sản nếu di sản là tài sản phải đăng ký theo quy định pháp luật của người yêu cầu công chứng như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Sổ tiết kiệm,...

3.2. Các bước thực hiện.

  • Bước 1: Nộp hồ sơ:
    • Người yêu cầu (người lập di chúc) chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nêu trên và nộp tại trụ sở của bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng) nào trên cả nước (không phụ thuộc vào di sản là bất động sản).
    • Ngoại lệ: đối với người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc người đang thi hành án phạt tù hoặc người có lý do chính đáng khác không thể đến trực tiếp trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng mà có yêu cầu công chứng di chúc thì việc công chứng này có thể được thực hiện tại nhà, tại trại giam.
    • Lưu ý: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu thực hiện thủ tục công chứng di chúc mà không ủy quyền cho người khác yêu cầu thực hiện thủ tục này.

Bài viết có thể bạn quan tâm:

Lưu ý về thủ tục công chứng tại nhà mà bạn nên biết.

Có thể thực hiện thủ tục công chứng tại trại giam hay không?

  • Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
    • Công chứng viên tiếp nhận và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng.
    • Trường hợp hồ sơ đầy đủ, phù hợp quy định pháp luật thì công chứng viên tiến hành thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
    • Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không phù hợp quy định pháp luật, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu làm rõ, nếu không làm rõ được thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
  • Bước 3: Thực hiện công chứng:
    • Trường hợp người yêu cầu có dự thảo di chúc: Công chứng viên kiểm tra dự thảo; nếu trong dự thảo vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội thì người yêu cầu sửa chữa theo yêu cầu của công chứng viên; nếu không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
    • Trường hợp người yêu cầu không có dự thảo di chúc: Công chứng viên soạn thảo di chúc theo nội dung của người yêu cầu nếu nội dung đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
    • Người yêu cầu tự đọc lại di chúc hoặc người yêu cầu nghe công chứng viên đọc theo đề nghị của người yêu cầu.
    • Người yêu cầu đồng ý toàn bộ di chúc thì ký vào từng trang của di chúc.
    • Công chứng viên ghi lời chứng, ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
  • Bước 4: Trả kết quả:
    • Công chứng viên thu phí, thù lao công chứng, trả hồ sơ cho người yêu cầu và lưu trữ hồ sơ công chứng.
    • Thời hạn công chứng: không quá 02 ngày làm việc; trường hợp di chúc có nội dung phức tạp thì thời hạn kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

4. Trường hợp bị truất quyền thừa kế nhưng vẫn được hưởng di sản thừa kế.

  • Như đã phân tích tại Mục 2 nêu trên, người bị truất quyền thừa kế sẽ không được hưởng di sản thừa kế theo nội dung di chúc của người lập di chúc. Tuy nhiên, căn cứ Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định 6 đối tượng sau đây dù không có tên trong di chúc (bị truất quyền thừa kế) thì vẫn được hưởng di sản thừa kế:
    • Con chưa thành niên;
    • Cha;
    • Mẹ;
    • Vợ;
    • Chồng;
    • Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
  • Bởi vì 06 đối tượng nêu trên là những người yếu thế nên pháp luật quy định Điều 644 này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Cụ thể, 6 đối tượng này vẫn được hưởng phần di sản thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách tính 2/3 di sản thừa kế mới nhất.

  • Lưu ý: Điều 644 này không áp dụng đối với 06 đối tượng nêu trên nếu họ từ chối nhận di sản tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
  • Như vậy, nếu người bị truất quyền thừa kế thuộc 01 trong 06 đối tượng hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc đồng thời người bị truất quyền thừa kế không thuộc đối tượng từ chối nhận di sản và không có quyền hưởng di sản theo luật định thì người bị truất quyền thừa kế vẫn được hưởng di sản thừa kế.

 
Hình 2. Dịch vụ công chứng di chúc tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng

  • Trên đây là những thông tin pháp luật về Có được lập di chúc truất quyền thừa kế không. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.