Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Di chúc để lại đất cho con có cần sự đồng ý của các thành viên trong gia đình

Di chúc để lại đất cho con có cần sự đồng ý của các thành viên trong gia đình

06/01/2022


Khi nào lập di chúc để lại đất cho con cần sự đồng ý của các thành viên trong gia đình? Hãy tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.

Lập di chúc để lại đất cho con có cần sự đồng ý của thành viên trong gia đình không

Hình 1. Lập di chúc để lại đất cho con có cần sự đồng ý của thành viên trong gia đình không

  Hiện nay, có những trường hợp người lập di chúc tự mình quyết định lập di chúc để lại tài sản cho con, cũng có những trường hợp người lập di chúc phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình thì việc lập di chúc mới hợp pháp. Vậy, khi nào lập di chúc để lại đất cho con cần sự đồng ý của các thành viên trong gia đình? Bài viết sau sẽ trình bày các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Có được lập di chúc để lại đất cho con không?

2. Khi nào lập di chúc để lại đất cho con cần sự đồng ý của các thành viên trong gia đình?

3. Thủ tục công chứng di chúc để lại đất cho con khi đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình.

3.1. Thành phần hồ sơ.

3.2. Các bước thực hiện.

4. Hậu quả pháp lý khi lập di chúc định đoạt toàn bộ đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình.

1. Có được lập di chúc để lại đất cho con không?

  • Căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 và điểm đ khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013, người có quyền sử dụng đất có quyền lập di chúc để lại quyền sử dụng đất của mình cho những người thừa kế mà mình mong muốn. Theo đó, người lập di chúc phải là người có quyền sử dụng đất (chủ sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
  • Như vậy, người có quyền sử dụng đất có quyền lập di chúc để lại đất cho con. Lúc này, người có quyền sử dụng đất có quyền lập di chúc mà không cần phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình bởi vì quyền sử dụng đất thuộc sở hữu riêng của người lập di chúc.

2. Khi nào lập di chúc để lại đất cho con cần sự đồng ý của các thành viên trong gia đình?

  • Căn cứ Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên gia đình bao gồm tài sản do các thành viên trong gia đình đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật. Theo đó, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên trong gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Đối với việc định đoạt tài sản là bất động sản thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên (người từ đủ 18 tuổi trở lên) và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
  • Như vậy, việc lập di chúc để lại đất cho con cần sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình khi đất đó thuộc sở hữu chung của hộ gia đình. Quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của các thành viên trong gia đình khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi tên chủ hộ. Lúc này, để có thể lập di chúc để lại đất cho con thì cần có sự thỏa thuận giữa tất cả các thành viên trong gia đình là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong đó có thể thỏa thuận phần đất mà người lập di chúc có quyền định đoạt lập di chúc để lại thừa kế cho con. Pháp luật không quy định hình thức sự thỏa thuận của các thành viên trong gia đình. Sự thỏa thuận này có thể hoặc không lập thành văn bản nhưng để tránh những rủi ro và tranh chấp về sau, tất cả các thành viên trong gia đình nên lập thành văn bản.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Di chúc bằng văn bản gồm mấy loại, đó là những loại nào?

3. Thủ tục công chứng di chúc để lại đất cho con khi đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình.

 Thủ tục công chứng di chúc để lại đất cho con khi đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình

Hình 2. Thủ tục công chứng di chúc để lại đất cho con khi đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình

  • Căn cứ Điều 40, 41 Luật Công chứng 2014 quy định về trình tự, thủ tục công chứng di chúc để lại đất cho con khi đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình như sau:

Bài viết có thể bạn quan tâm: Di chúc có cần công chứng không?

3.1. Thành phần hồ sơ.

  • Hồ sơ chuẩn bị thực hiện thủ tục công chứng di chúc để lại đất cho con khi đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình gồm các giấy tờ sau:
    • Phiếu yêu cầu công chứng (của tổ chức hành nghề công chứng);
    • Dự thảo di chúc (nếu có);
    • Bán chính giấy tờ nhân thân của người lập di chúc: chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
    • Bản chính giấy chứng nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình;
    • Bản chính văn bản thỏa thuận của các thành viên trong gia đình về việc định đoạt phần đất mà người lập di chúc sở hữu có quyền để lại cho con;
    • Bản chính giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân: giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận tình trạng độc thân,...;
    • Sổ hộ khẩu.

3.2. Các bước thực hiện.

  • Bước 1: Nộp hồ sơ.

- Người yêu cầu nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ nêu trên đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng) trên cả nước để thực hiện công chứng di chúc.

- Người yêu cầu có thể yêu cầu thực hiện công chứng di chúc ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng nếu thuộc trường hợp là là người già yếu, không thể đi lại được,...

Lưu ý: Người yêu cầu phải tự mình yêu cầu thực hiện thủ tục công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác yêu cầu thực hiện thủ tục này.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Lưu ý về thủ tục công chứng tại nhà mà bạn nên biết.

  • Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ.
  • Công chứng viên tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định pháp luật thì công chứng viên thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có vấn đề chưa rõ hoặc có nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu thì công chứng viên có thể yêu cầu người yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ. Trường hợp không làm rõ được thì công chứng viên từ chối thực hiện công chứng di chúc.
  • Bước 3: Thực hiện công chứng di chúc.
  • Nếu người yêu cầu đã có di chúc: công chứng viên kiểm tra nội dung di chúc, nếu nội dung di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì công chứng viên yêu cầu người yêu cầu sửa chữa, nếu không sửa chữa thì công chứng viên từ chối công chứng.
  • Nếu người yêu cầu chưa có di chúc: công chứng viên lập di chúc theo nội dung mà người yêu cầu trình bày (đảm bảo nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội).
  • Người yêu cầu đọc lại di chúc. Người yêu cầu đồng ý toàn bộ nội dung di chúc thì ký tên vào từng trang của di chúc.
  • Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của di chúc và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
  • Bước 4: Trả kết quả.
  • Công chứng viên thu phí, thù lao công chứng, trả hồ sơ công chứng cho người yêu cầu và lưu trữ hồ sơ công chứng.
  • Thời hạn công chứng di chúc: không quá 02 ngày làm việc; trường hợp di chúc có nội dung phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài hơn không quá 10 ngày làm việc.

4. Hậu quả pháp lý khi lập di chúc định đoạt toàn bộ đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình.

  • Như phân tích tại Mục 2 nêu trên, khi quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình thì tất cả các thành viên trong gia đình đều là chủ sở hữu của mảnh đất đó, đều có quyền sử dụng, chiếm hữu, định đoạt mảnh đất đó. Do đó, khi một người trong gia đình lập di chúc toàn bộ mảnh đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình mà không có sự đồng ý của các thành viên còn lại trong gia đình thì các thành viên có có quyền khởi kiện ra Tòa án tuyên bố di chúc đó vô hiệu. Lúc này, người thừa kế của người lập di chúc sẽ nhận được phần di sản của người lập di chúc để lại là một phần quyền sử dụng đất trong toàn bộ quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.
  • Trên đây là những thông tin pháp luật về Khi nào lập di chúc để lại đất cho con cần sự đồng ý của thành viên trong gia đình. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.