Hình 1. Công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền làm ở đâu?
Công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền là thủ tục quen thuộc đối với người dân hiện nay. Tuy nhiên, không ít người còn thắc mắc về thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền. Hãy tìm hiểu công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền làm ở đâu trong bài viết sau.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Hợp đồng ủy quyền là gì?
2. Có bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền không?
3. Công chứng hợp đồng ủy quyền ở đâu?
4. Chứng thực hợp đồng ủy quyền ở đâu?
- Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa người ủy quyền và người được ủy quyền, theo đó người được ủy quyền đại diện người ủy quyền thực hiện một hoặc một số công việc thuộc phạm vi ủy quyền trong thời hạn ủy quyền.
- Hợp đồng ủy quyền gồm hai loại là hợp đồng ủy quyền có thù lao và hợp đồng ủy quyền không có thù lao. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại hợp đồng ủy quyền này là trong hợp đồng ủy quyền có thù lao, khi người được ủy quyền thực hiện công việc ủy quyền thì người ủy quyền phải trả thù lao (một khoản tiền) cho người được ủy quyền. Đối với hợp đồng ủy quyền không có thù lao thì người ủy quyền không phải trả thù lao cho người được ủy quyền.
- Hiện nay, hợp đồng ủy quyền không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ các trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền.
- Như vậy, khi lập hợp đồng ủy quyền, các bên nên kiểm tra các quy định pháp luật có bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền hay không. Nếu trường hợp pháp luật không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền thì tùy vào nhu cầu của hai bên có thể lập hợp đồng ủy quyền không có hoặc có công chứng, chứng thực.
- Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, công chứng hợp đồng ủy quyền là thủ tục do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng tiến hành. Công chứng viên chứng nhận tính hợp pháp của hợp đồng ủy quyền về cả mặt hình thức (thời gian, địa điểm, chủ thể giao kết hợp đồng ủy quyền) và nội dung của hợp đồng ủy quyền (không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội).
- Khác với công chứng, căn cứ khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chứng thực hợp đồng ủy quyền là người thực hiện chứng thực của cơ quan có thẩm quyền tiến hành chứng thực về chủ thể giao kết hợp đồng ủy quyền (năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên), về thời gian và địa điểm giao kết hợp đồng ủy quyền.
- Lưu ý: Người ủy quyền và người được ủy quyền đều phải có mặt khi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền.
Hình 2. Công chứng hợp đồng ủy quyền ở đâu
- Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, công chứng hợp đồng ủy quyền được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan đại diện.
- Theo đó, căn cứ Điều 42 Luật Công chứng 2014, hợp đồng ủy quyền được công chứng tại bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng) nào trên cả nước mà không phụ thuộc vào phạm vi ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
- Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Công chứng 2014, Cơ quan đại diện (bao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài) thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền theo quy định của Luật Công chứng 2014 và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao.
- Ngoài ra, Căn cứ Điều 44 Luật Công chứng 2014, về nguyên tắc việc công chứng hợp đồng ủy quyền phải được tiến hành tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định được nêu sau đây, việc công chứng có thể được thực hiện ở ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng theo yêu cầu của các bên:
- Một trong các bên là người già yếu, không đi lại được;
- Một trong các bên đang bị tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù;
- Một trong các bên có lý do chính đáng khác mà không thể đến trực tiếp trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
- Nếu thuộc một trong các trường hợp này, các bên có thể yêu cầu công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền ngoài trụ sở như công chứng tại nhà, tại trại giam,...
- Như đã nêu tại Mục 2, khi thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền, các bên phải có mặt tại tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, trường hợp các bên không thể đến cùng một tổ chức hành nghề công chứng như một trong các bên ở nước ngoài, bị bệnh, già yếu,... thì các bên có thể tiến hành công chứng hợp đồng ủy quyền hai nơi.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền hai nơi.
- Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, hợp đồng ủy quyền có thể được thực hiện tại:
- Phòng Tư pháp (Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh);
- Ủy ban nhân dân cấp xã (ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn);
- Cụ thể:
- Phòng tư pháp có thẩm quyền chứng thực hợp đồng ủy quyền liên quan đến tài sản là động sản (như hợp đồng ủy quyền bán xe, hợp đồng ủy quyền vay tiền,...);
- Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực:
- + Hợp đồng ủy quyền liên quan đến tài sản là động sản (tương tự các loại hợp đồng ủy quyền thuộc thẩm quyền chứng thực của Phòng tư pháp);
- + Hợp đồng ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất (như hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng ủy quyền tặng cho quyền sử dụng đất,...);
- + Hợp đồng ủy quyền về nhà ở (như hợp đồng ủy quyền quản lý nhà, hợp đồng ủy quyền bán nhà,...)
- Theo đó, phạm vi hợp đồng ủy quyền mà phòng tư pháp, ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực là các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải thực hiện chứng thực hoặc pháp luật không bắt buộc chứng thực nhưng có yêu cầu chứng thực của người yêu cầu.
- Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, về nguyên tắc việc chứng thực hợp đồng ủy quyền được thực hiện tại trụ sở của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tương tự như công chứng, trong một số trường hợp nhất định mà pháp luật quy định, người yêu cầu chứng thực có thể yêu cầu thực hiện chứng thực hợp đồng ủy quyền ngoài trụ sở của cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Đó là trường hợp người yêu cầu thuộc diện người già yếu, không đi lại được, tạm giam, tạm giữ, ở tù hoặc có lý do chính đáng khác.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Ubnd xã được chứng thực hợp đồng ủy quyền không?
- Trên đây là những thông tin pháp luật về Công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền làm ở đâu. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.