Công chứng hợp đồng ủy quyền bắt buộc hai bên phải có mặt tại cùng một tổ chức hành nghề công chứng không? Hãy đọc ngay bài viết sau đây.
Hình 1. Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền hai nơi.
Hiện nay, vì nhiều lý do như sức khỏe, công việc,... mà đại diện theo ủy quyền ngày càng được mọi người ưa chuộng thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp người ủy quyền và người được ủy quyền ở hai nơi khác nhau thì có được thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền hay không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc đó của bạn.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Công chứng hợp đồng ủy quyền có cần hai bên phải có mặt?
2. Công chứng hợp đồng ủy quyền thực hiện ở đâu?
3. Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền hai nơi.
4. Giá trị pháp lý của hợp đồng ủy quyền được công chứng hai nơi.
- Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”. Theo đó, bản chất của hợp đồng ủy quyền là một giao dịch dân sự, trong đó người ủy quyền và người được ủy quyền thỏa thuận với nhau về phạm vi và thời hạn thực hiện đại diện ủy quyền.
- Vì hợp đồng ủy quyền là một hợp đồng, giao dịch dân sự nên về nguyên tắc, khi thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền thì hai bên (người ủy quyền và người được ủy quyền) đều phải có mặt tại tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, vì lý do về địa lý mà người ủy quyền và người được ủy quyền không thể đến cùng một tổ chức hành nghề công chứng nên pháp luật đã dự liệu và mở rộng phạm vi thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền tại khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014 như sau: “Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.”.
- Như vậy, đối với công chứng hợp đồng ủy quyền, người ủy quyền và người được ủy quyền không cần phải có mặt một tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Người ủy quyền và người được ủy quyền sẽ lần lượt đến tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Việc thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền hai nơi giúp người ủy quyền và người được ủy quyền tiết kiệm được chi phí vận chuyển, thời gian và thuận tiện trong việc thực hiện đại diện ủy quyền.
- Theo Luật Công chứng 2014, khi thực hiện thủ tục công chứng nói chung và công chứng hợp đồng ủy quyền nói riêng thì nơi công chứng hợp đồng ủy quyền là tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm phòng công chứng công và văn phòng công chứng tư.
- Tuy nhiên, đối với trường hợp người ủy quyền hoặc người được ủy quyền là người Việt Nam nhưng không cư trú tại Việt Nam thì pháp luật đã dự liệu trường hợp này tại khoản 1 Điều 78 Luật Công chứng 2014 như sau: “Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.”.
- Như vậy, người ủy quyền và người được ủy quyền có thể thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền không chỉ tại các tổ chức hành nghề công chứng mà có thể thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền tại cơ quan đại diện trong trường hợp người ủy quyền hoặc người được ủy quyền không cư trú tại Việt Nam.
- Căn cứ Điều 40, 41 và 55 Luật Công chứng 2014 quy định thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền hai nơi như sau:
- Bước 1. Công chứng hợp đồng ủy quyền nơi người ủy quyền cư trú.
Người ủy quyền chuẩn bị một bộ hồ sơ và đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan đại diện để thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền lần một. Bộ hồ sơ công chứng hợp đồng ủy quyền gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu có sẵn của tổ chức hành nghề công chứng);
- Hợp đồng ủy quyền (theo mẫu có sẵn của tổ chức hành nghề công chứng);
- Bản chính Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu còn giá trị sử dụng);
- Bản chính Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận tình trạng độc thân,...);
- Sổ hộ khẩu;
- Bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng liên quan đến công việc được ủy quyền.
- Bước 2. Người ủy quyền gửi hợp đồng ủy quyền đã được công chứng đến người được ủy quyền.
Sau khi người ủy quyền hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền tại nơi cư trú của mình, người ủy quyền chuyển phát hợp đồng ủy quyền đã được công chứng đến người được ủy quyền.
- Bước 3. Công chứng hợp đồng ủy quyền nơi người được ủy quyền cư trú.
Sau khi người được ủy quyền nhận được hợp đồng ủy quyền đã được công chứng tại nơi cư trú của người ủy quyền, người được ủy quyền tiến hành chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan đại diện để thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền lần hai. Bộ hồ sơ công chứng hợp đồng ủy quyền của người được ủy quyền bao gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu có sẵn của tổ chức hành nghề công chứng);
- Bản chính Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng tại nơi cư trú của người ủy quyền;
- Bản chính Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu còn giá trị sử dụng);
- Bản chính Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận tình trạng độc thân,...);
- Sổ hộ khẩu.
➤ Bài viết bạn có thể quan tâm: Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền được thực hiện như thế nào?
- Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.”.
- Như vậy, về nguyên tắc, hợp đồng ủy quyền thông thường sẽ có giá trị pháp lý kể từ ngày công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, đối với hợp đồng ủy quyền hai nơi, do bản chất là hợp đồng này được thực hiện hai lần thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền tại hai nơi, hai tổ chức hành nghề công chứng khác nhau nên giá trị pháp lý của hợp đồng ủy quyền này khác so với hợp đồng ủy quyền thông thường. Cụ thể, hợp đồng ủy quyền hai nơi có giá trị pháp lý kể từ ngày công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú của người được ủy quyền.
Hình 2. Dịch vụ công chứng, chứng thực tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng
- Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng với đội ngũ công chứng viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu rộng, tận tình phục vụ sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ công chứng tại văn phòng. Văn phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng rất vinh dự và tự hào được cung cấp cho Quý khách các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.
- Trên đây là những thông tin pháp luật về Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền hai nơi. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.