Công chứng, chứng thực di chúc ở đâu?
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Di chúc là gì?
1.1 Di chúc là gì? Công chứng, chứng thực di chúc là gì?
1.2 Người không được công chứng, chứng thực di chúc.
2. Công chứng di chúc ở đâu?
2.1 Công chứng di chúc ở đâu?
2.2 Công chứng di chúc khác tỉnh có được hay không?
2.3 Công chứng di chúc ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
3. Chứng thực di chúc ở đâu?
Công chứng, chứng thực di chúc là thủ tục được nhiều người ưu tiên lựa chọn để bảo đảm di chúc được kiểm tra đầy đủ và hợp pháp. Vậy hoạt động công chứng, chứng thực di chúc được tiến hành ở đâu? Tìm hiểu ngay
- Căn cứ tại Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc được trình bày dưới hình thức văn bản hoặc lời nói nhằm thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
- Công chứng di chúc có thể hiểu là thủ tục được tiến hành bởi công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực nội dung và hình thức của bản di chúc.
- Thủ tục chứng thực di chúc là thủ tục được thực hiện bởi người có thẩm quyền chứng thực theo quy định pháp luật chứng thực về hình thức được lập của bản di chúc.
- Theo quy định tại Điều 637 Bộ luật dân sự 2015 có thể hiểu công chứng viên/người có thẩm quyền thực hiện chứng thực di chúc không được phép thực hiện thủ tục công chứng/chứng thực đối với di chúc nếu thuộc các trường hợp sau:
- Người thừa kế được xác định theo nội dung di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có cha/mẹ/vợ hoặc chồng/con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;
- Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản có liên quan đến nội dung bản di chúc thực hiện công chứng, chứng thực.
- Tóm lại, thủ tục công chứng/chứng thực di chúc không được thực hiện bởi các chủ thể trên vì hoạt động công chứng/chứng thực cũng giống như đại diện cơ quan nhà nước xác thực tính hợp pháp của di chúc, nếu được tiến hành bởi các chủ thể có liên quan với bản di chúc được lập sẽ không thể đảm bảo tính chính xác, bảo mật, các vấn đề liên quan đến di chúc một cách khách quan. Pháp luật quy định về các trường hợp nêu trên nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích của người lập di chúc để lại di sản và những người thừa kế được chỉ định theo di chúc hoặc theo pháp luật.
➤ Tìm hiểu thêm về: Di chúc có cần công chứng không?
- Căn cứ theo quy định của Luật công chứng năm 2014 thì việc công chứng di chúc có thể được tiến hành bởi tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng/Văn phòng công chứng; trong một số trường hợp đặc biệt có thể được tiến hành tại Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
- Theo quy định tại Điều 56, Luật công chứng năm 2014 thì người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác thực hiện yêu cầu công chứng di chúc của mình.
- Trong một số trường hợp, vì lý do cá nhân mà chủ thể không thể thực hiện công chứng tại địa bàn nơi có bất động sản là tài sản thừa kế thì phải làm sao? Căn cứ theo Điều 42 Luật Công chứng 2014 thì trường hợp công chứng di chúc sẽ không bị giới hạn trong phạm vi công chứng giao dịch liên quan đến bất động sản ở một tỉnh, thành phố nhất định - nơi mà tổ chức hành nghề đặt trụ sở. Vậy trường hợp công chứng di chúc, người có mong muốn lập di chúc có thể tiến hành thủ tục công chứng ở bất kì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng trên địa bàn cả nước.
Công chứng di chúc ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng
- Không phải mọi trường hợp người có mong muốn lập di chúc đều có thể đến trụ sở của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền công chứng để thực hiện giao dịch công chứng. Pháp luật quy định tại Điều 44 Luật công chứng năm 2014 thì việc thực hiện công chứng phải thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp sau:
- Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được;
- Là người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù;
- Hoặc vì lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
- Vậy trong trường hợp xét thấy cần thiết thì người yêu cầu công chứng có thể yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
➤ Xem thêm về: Di chúc không có công chứng có giá trị pháp lý hay không?
- Theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định 23/2015/NĐ-CP ban hành ngày 16/02/2015 thì cơ quan có thẩm quyền chứng thực di chúc là Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn. Người thực hiện chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch/Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân và có đóng dấu của Uỷ ban nhân dân. Thủ tục chứng thực di chúc không bị phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực di chúc.
- Thủ tục chứng thực di chúc sẽ được tiến hành tại trụ sở của Uỷ ban nhân dân cấp xã, trừ các trường hợp mà người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác khi không thể đến trụ sở của cơ quan có thẩm quyền để chứng thực di chúc.
- Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về địa điểm công chứng, chứng thực di chúc. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.