Có bắt buộc phải lập hợp đồng thuê trọ bằng văn bản hay không?
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Tìm hiểu về hợp đồng thuê trọ.
1.1 Hợp đồng thuê trọ là gì?
1.2 Có bắt buộc phải lập hợp đồng thuê trọ bằng văn bản hay không?
2. Trình tự, thủ tục lập hợp đồng thuê trọ.
2.1 Nội dung cơ bản của hợp đồng thuê trọ.
2.2 Trình tự, thủ tục lập hợp đồng thuê trọ.
3. Một số lưu ý khi lập hợp đồng thuê trọ.
Tại các thành phố lớn, việc thuê phòng trọ diễn ra khá phổ biến vì có lượng người lao động tập trung cao. Vậy khi đi thuê phòng trọ thì có bắt buộc lập hợp đồng bằng văn bản hay không? Nội dung cơ bản của hợp đồng thuê phòng trọ là gì? Ghi chú lại một số điểm cần lưu ý khi lập hợp đồng thuê trọ.
- Nhà trọ hay phòng trọ không phải từ ngữ pháp lý được pháp luật quy định. Đây là từ người dân sử dụng để chỉ những ngôi nhà ở, công trình xây dựng được sử dụng với mục đích cung cấp cho người lao động, du khách có chỗ ở, chỗ ngủ lại qua đêm. Để được sử dụng phòng trọ thì người tìm kiếm chỗ để trọ thỏa thuận với người có phòng trọ, nhà trọ cho thuê. Việc thỏa thuận các vấn đề thuê trọ như: thời hạn ở, thời gian thanh toán, phương thức thanh toán… được lập thành văn bản thì sẽ được gọi là hợp đồng thuê trọ.
- Về bản chất nhà trọ cũng giống như nhà ở và đây cũng là tài sản của người cho thuê. Dựa theo quy định tại Điều 472, Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng thuê tài sản thì hợp đồng thuê trọ cũng chính là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao phòng trọ cho bên thuê trọ sử dụng, quản lý trong một thời hạn nhất định, bên thuê trọ phải thanh toán tiền thuê theo điều khoản trong hợp đồng đã quy định.
➤ Tìm hiểu thêm về: Đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
- Như đã trình bày ở trên, nhà trọ hay phòng trọ không phải là một thuật ngữ pháp lý. Về bản chất nhà trọ hay phòng trọ cũng giống như một ngôi nhà ở. Theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014 thì hợp đồng thuê nhà bắt buộc phải lập thành văn bản cụ thể.
- Hợp đồng thuê trọ được lập thành văn bản sẽ là cơ sở để bảo đảm quyền và lợi ích pháp lý của các bên. Cơ bản người đi thuê trọ thường là người dân tỉnh lẻ, từ tỉnh khác đến và thường không có người quen ở thành phố. Vậy để tránh các trường hợp bị lừa tiền thuê nhà trọ, tăng giá bất hợp lý … thì việc lập hợp đồng là vô cùng cần thiết trong thực tiễn.
- Hợp đồng thuê trọ sẽ thể hiện các điều khoản cơ bản ràng buộc các bên trong mối quan hệ thuê tài sản, quy định rõ về quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên… Từ đó giúp các bên hạn chế tối đa rủi ro pháp lý đối với một số vấn đề như: tăng giá thuê trọ không phù hợp; chấm dứt hợp đồng mà không có căn cứ, thời hạn báo trước… Ngoài ra đây cũng là căn cứ để người dân thực hiện việc đăng ký tạm trú tại xã/phường.
- Nội dung của hợp đồng thuê trọ sẽ do các bên trong mối quan hệ thuê trọ cùng thỏa thuận. Thông thường hợp đồng thuê trọ sẽ do bên cho thuê soạn thảo theo mẫu có sẵn và bên đi thuê chỉ cần xem xét cụ thể, rà soát lại nội dung cơ bản của hợp đồng để bảo đảm an toàn pháp lý của mình. Pháp luật cho phép các bên tự do thỏa thuận về nội dung của hợp đồng thuê trọ. Một số vấn đề cơ bản cần thể hiện trong hợp đồng thuê trọ như sau:
- Thông tin của các bên trong giao dịch thuê trọ (đối với cá nhân:Họ và tên, CMND/CCCD/Hộ chiếu…; đối với tổ chức: tên tổ chức, địa chỉ của tổ chức…);
- Mô tả đặc điểm của căn nhà trọ cho thuê, phòng trọ cho thuê (diện tích, không gian sử dụng, phòng có nội thất hay không…);
- Thời gian thuê trọ (thông thường hợp đồng thuê trọ thường được lập từ 6 tháng đến 1 năm thuê);
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;
- Cam kết của các bên về giao dịch thuê trọ;
- Các thỏa thuận khác (nếu có);
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thuê trọ;
- Ngày/tháng/năm giao kết hợp đồng thuê trọ;
- Số tiền cọc thuê trọ (số tiền này nhằm hỗ trợ bên cho thuê khi bên thuê trọ khi bên thuê trọ có hành vi phá hoại tài sản có sẵn trong phòng trọ cho thuê…);
- Chữ ký, ghi rõ họ tên của các bên. Lưu ý trường hợp là tổ chức thì ghi rõ chức vụ của người ký và đóng dấu của tổ chức (nếu có).
Các giấy tờ cần chuẩn bị để các bên có thể giao kết hợp đồng thuê trọ như sau:
- Đối với bên cho thuê trọ:
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với phòng trọ cho thuê (Ví dụ như: sổ đỏ, sổ hồng...);
- CMND/CCCD/Hộ chiếu còn giá trị hiệu lực của người cho thuê trọ là cá nhân; đối với tổ chức thì cần có giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương;
- Sổ hộ khẩu.
- CMND/CCCD/Hộ chiếu còn giá trị hiệu lực;
- Sổ hộ khẩu.
- Giao dịch thuê phòng trọ không bắt buộc các bên lập hợp đồng phải được công chứng/chứng thực. Hợp đồng thuê trọ sẽ có giá trị pháp lý khi các bên giao kết hợp đồng đáp ứng các điều kiện tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 về chủ thể giao kết hợp đồng, việc xác lập giao dịch thuê nhà trọ hoàn toàn tự nguyện, nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội.
- Mặc dù pháp luật không bắt buộc công chứng/chứng thực hợp đồng nhưng các bên nếu có nhu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho bản thân khi tham gia giao dịch nêu trên có thể yêu cầu công chứng/chứng thực hợp đồng tại cơ quan có thẩm quyền.
Một số lưu ý khi lập hợp đồng thuê trọ
- Rất nhiều người đi thuê nhà trọ, phòng trọ không biết cách rà soát, kiểm tra những thông tin gì trong hợp đồng. Cứ nghĩ hợp đồng soạn thảo sẵn thấy đầy đủ là yên tâm đặt bút ký tên. Nhưng nếu bạn không xem xét kỹ hợp đồng thì có thể xảy ra những rủi ro mà mình không mong muốn. Một số điểm lưu ý khi lập hợp đồng thuê trọ là:
- Kiểm tra các thông tin cá nhân của người đi thuê cũng như người cho thuê. Xem xét về giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với phòng trọ có chính xác là người đứng ra giao kết với mình hay không?
- Hợp đồng được lập phải có đầy đủ chữ ký của hai bên. Bên thuê trọ gặp phải trường hợp bên cho thuê sẽ cho bên thuê ký trước còn về chữ ký của người cho thuê thì không thực hiện cùng lúc. Điều này rất dễ dàng xảy ra rủi ro khi có tranh chấp xảy ra đối với bên đi thuê trọ;
- Phải giữ lấy một bản hợp đồng thuê trọ để làm căn cứ xác minh nếu có tranh chấp xảy ra;
- Tìm hiểu giá thuê phòng trọ được ghi trong hợp đồng có bao gồm các khoản phí khác hay không? Ví dụ nhiều trường hợp người cho thuê nói rằng giá đó là trọn gói từ tiền điện đến tiền nước nhưng trong hợp đồng không ghi rõ ràng sẽ có thể dẫn đến việc cuối tháng thu tiền trọ lại yêu cầu thêm những khoản vô lý;
- Thỏa thuận ràng buộc các vấn đề về tiền đặt cọc trọ: Các điều kiện dẫn đến việc mất cọc, hành vi nào dẫn đến việc bị trừ cọc, thời gian hoàn trả tiền cọc sau khi chuyển đi…Người đi thuê trọ nếu không ràng buộc các vấn đề này thì lúc chuyển đi bên cho thuê sẽ dễ kì kèo kiếm lý do giữ lại cọc mà không hoàn trả cho bên thuê trọ;
- Xem xét các điều kiện liên quan đến giờ giấc ra vào an ninh của khu nhà trọ, điều kiện về việc nuôi thú cưng (nếu bạn có nhu cầu nuôi thú cưng);
- Trường hợp các thiết bị nội thất trong phòng hư hao hỏng hóc thì xử lý như thế nào? Nếu trong nhà đã có thiết bị đã hư sẵn trước khi chuyển vô thì bạn cần ràng lại với bên cho thuê để không mất tiền oan sau một thời gian ở lại bị “đổ thừa” làm hư đồ vật trong nhà cho thuê.
- Trên đây là một số vấn đề liên quan đến hợp đồng thuê trọ gửi đến quý bạn đọc để tham khảo. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.
➤ Có thể bạn quan tâm về: Gia hạn hợp đồng thuê nhà.