Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Có bắt buộc công chứng hợp đồng uỷ quyền?

Có bắt buộc công chứng hợp đồng uỷ quyền?

23/12/2021


Hợp đồng uỷ quyền là gì? Hợp đồng uỷ quyền có cần công chứng không? Các trường hợp nào buộc phải công chứng. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp về vấn đề này.

Công chứng hợp đồng uỷ quyền
Công chứng hợp đồng uỷ quyền

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1.Hợp đồng uỷ quyền là gì?

2. Các trường hợp buộc phải công chứng hợp đồng uỷ quyền.

2.1 Uỷ quyền đăng ký hộ tịch.

2.2 Uỷ quyền về mang thai hộ.

3. Thời hạn hợp đồng uỷ quyền.

4. Hệ quả pháp lý khi không công chứng hợp đồng uỷ quyền.

  Hợp đồng uỷ quyền là một dạng giao dịch dân sự diễn ra rất phổ biến hiện nay, vì trong quan hệ hợp đồng không phải lúc nào cá nhân hoặc pháp nhân cũng đều có thể tự mình tham gia trực tiếp với vai trò là một bên trong giao dịch, do đó pháp luật cho phép được uỷ quyền cho người thứ ba để thực hiện thay họ. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng rằng hợp đồng uỷ quyền chỉ có giá trị và pháp luật chỉ công nhận khi được công chứng, chứng thực hợp pháp. Vậy theo quy định pháp luật hiện hành, có bắt buộc công chứng đối với hợp đồng uỷ quyền?

Nội dung dưới đây sẽ làm rõ về hợp đồng uỷ quyền, khi nào cần phải công chứng hợp đồng uỷ quyền cũng như hệ quả pháp lý sẽ xảy ra khi không thực hiện việc công chứng hợp đồng trong trường hợp pháp luật buộc phải công chứng.

Xem thêm: Trình tự, thủ tục công chứng giấy uỷ quyền được thực hiện như thế nào?

1.Hợp đồng uỷ quyền là gì?

  • Theo Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) có quy định về hợp đồng uỷ quyền như sau: “Là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
  • Về nguyên tắc hợp đồng uỷ quyền là một dạng của hợp đồng dân sự, được hình thành thông qua giao dịch giữa hai bên dựa trên sự tự nguyện, thoả thuận với nhau và có trả thù lao để bên được uỷ quyền nhân danh bên uỷ quyền thực hiện một hoặc nhiều công việc theo uỷ quyền.

2. Các trường hợp buộc phải công chứng hợp đồng uỷ quyền

  • Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định trực tiếp về hình thức của hợp đồng uỷ quyền trong một điều luật cụ thể mà quy định gián tiếp qua các điều luật khác, cụ thể tại khoản 1 Điều 140 quy định “Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật”.
  • Như vậy, luật dân sự đã ghi nhận một cách gián tiếp hình thức uỷ quyền là bằng văn bản, tuy nhiên cũng không cấm thể hiện việc uỷ quyền bằng hình thức khác.
  • Về công chứng hợp đồng uỷ quyền, tại Điều 55 Luật Công chứng năm 2014 chỉ có quy định về thủ tục công chứng của công chứng viên mà luật không có quy định về việc có buộc phải công chứng hợp đồng uỷ quyền hay không. Từ quy định trên cho thấy việc công chứng hợp đồng uỷ quyền sẽ do pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể mà không được điều chỉnh bởi luật chung.
  • Cụ thể các trường hợp uỷ quyền buộc phải công chứng theo quy định của luật chuyên ngành như sau:

2.1 Uỷ quyền đăng ký hộ tịch

  • Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định rõ ràng khi có yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký hộ tịch (khai sinh, xác định lại dân tộc…) trừ kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì được phép ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Và việc ủy quyền đó phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.

2.2 Uỷ quyền về mang thai hộ

  • Tại khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định khi vợ chồng uỷ quyền cho nhau trong thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì phải lập thành văn bản và có phải công chứng tại cơ quan có thẩm quyền.

3. Thời hạn hợp đồng uỷ quyền

  • Căn cứ tại Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hạn có hiệu lực của hợp đồng uỷ quyền sẽ do các bên thỏa thuận thống nhất với nhau, thông thường được hai bên ấn định cụ thể hoặc cho tới khi bên được uỷ quyền hoàn thành công việc được giao. Trong trường hợp hợp đồng uỷ quyền không xác định rõ về thời hạn thì sẽ do pháp luật quy định.
  • Nếu pháp luật không có quy định và hai bên cũng không thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng khi giao kết thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

4. Hệ quả pháp lý khi không công chứng hợp đồng uỷ quyền

 Hợp đồng uỷ quyền có buộc phải công chứng mới có hiệu lực
Hợp đồng uỷ quyền có buộc phải công chứng mới có hiệu lực

  • Hợp đồng uỷ quyền mà pháp luật buộc công chứng nhưng không thực hiện thì sẽ bị vô hiệu căn cứ tại khoản 2 Điều 117 BLDS 2015.
  • Hợp đồng uỷ quyền là một giao dịch dân sự, do đó cũng sẽ áp dụng quy định pháp luật về giao dịch dân sự để giải quyết, theo quy định hợp đồng uỷ quyền sẽ không có hiệu lực khi không tuân thủ quy định về hình thức, cụ thể:
  • “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định."
  • Cũng tại Điều 119 BLDS 2015 có quy định “Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó."
  • Như vậy, đối với hợp đồng uỷ quyền mà pháp luật buộc phải thực hiện công việc công chứng tại cơ quan có thẩm quyền mới có giá trị pháp lý nhưng không công chứng thì hợp đồng đó đương nhiên sẽ bị vô hiệu. Về nguyên tắc, khi hợp đồng vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mỗi bên trong hợp đồng kể từ khi xác lập hợp đồng và các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (nếu có).
  • Lưu ý: Đối với hợp đồng ủy quyền pháp luật bắt buộc phải công chứng, chứng thực nhưng không thực hiện mà một bên hoặc các bên đã thực hiện được ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng ủy quyền thì hợp đồng đó vẫn hiệu lực căn cứ tại Điều 129 BLDS 2015.

Xem thêm: Giấy tờ công chứng, chứng thực có hiệu lực bao lâu?

  • Nhìn chung, hợp đồng uỷ quyền để có giá trị pháp lý thì không nhất thiết phải thực hiện việc công chứng, thay vào đó chỉ phải công chứng trong những trường hợp cụ thể do luật chuyên ngành quy định phải công chứng mới có giá trị pháp lý. Vì vậy, cần phân biệt rõ trường hợp nào luật yêu cầu phải công chứng và trường hợp nào không nhất thiết thực hiện công chứng để tránh tình trạng hợp đồng uỷ quyền bị vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.