Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

18/02/2022


Quyền thừa kế di sản bao gồm thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là gì? Trường hợp nào áp dụng thừa kế theo pháp luật? Hãy đọc ngay

Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Thừa kế theo pháp luật là gì?

1.1 Quyền hưởng thừa kế.

1.2 Thừa kế theo pháp luật là gì?

2. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật.

2.1 Trường hợp người đã chết không để lại di chúc.

2.2 Trường hợp có di chúc, nhưng di chúc đã lập không hợp pháp.

2.3 Trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều chết trước người lập di chúc; cơ quan/tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế.

2.4 Trường hợp những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.

3. Di sản được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật.

  Quyền thừa kế di sản bao gồm thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Vậy hiểu như thế nào về thừa kế theo pháp luật? Trường hợp nào sẽ áp dụng thủ tục phân chia thừa kế theo pháp luật. Đọc ngay bài viết để tìm hiểu về vấn đề này

1. Thừa kế theo pháp luật là gì?

1.1 Quyền hưởng thừa kế

  • Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền hưởng di sản thừa kế được xác lập dựa trên quyền lập di chúc của cá nhân nhằm định đoạt tài sản của mình; hoặc thuộc trường hợp phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Vậy quyền hưởng thừa kế di sản bao gồm hai hình thức: thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Mọi cá nhân đều được quyền bình đẳng về việc để lại tài sản của mình cho người khác cũng như quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

1.2 Thừa kế theo pháp luật là gì?

  • Căn cứ theo quy định tại Điều 649 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì thừa kế theo pháp luật được hiểu là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự của trường hợp thừa kế này sẽ do pháp luật quy định cụ thể.
  • Những cá nhân có tài sản thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật thì sau khi chết đi số tài sản còn lại sẽ được chia cho những người có quyền thừa kế được xác định dựa trên hàng thừa kế. Căn cứ theo quy định tại Điều 651 thì người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ thân nhân, huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng... Người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, năng lực pháp luật. Người thừa kế cùng chung một hàng thừa kế có quyền bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, đồng thời thực hiện những nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện được trong phạm vi di sản được nhận. Việc thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng khi thuộc các trường hợp thừa kế tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015.

Xem thêm về: Tổng hợp những điều nên biết về thừa kế theo pháp luật.

2. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

  Những trường hợp áp dụng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 650, Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

2.1 Trường hợp người đã chết không để lại di chúc

  • Di chúc sẽ thể hiện ý chí, nguyện vọng phân chia di sản của cá nhân cho chủ thể khác sau khi họ chết. Tuy nhiên không phải trường hợp nào, người ta cũng sẵn sàng cho mọi thứ sau khi qua đời bằng việc lập di chúc. Hay có những trường hợp qua đời một cách đột ngột và không kịp để lại di chúc, xác định việc phân chia di sản. Vì vậy việc thừa kế di sản theo pháp luật là căn cứ để xác định quyền thừa kế của các chủ thể có liên quan thuộc hàng thừa kế của người đã chết.

2.2 Trường hợp có di chúc, nhưng di chúc đã lập không hợp pháp

  • Di chúc là căn cứ để xác định việc phân chia di sản theo di chúc. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp di chúc đều hợp pháp và có giá trị hiệu lực. Di chúc hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện liên quan đến chủ thể, nội dung, hình thức…Vậy nếu di chúc đã lập không đáp ứng một điều kiện nào đó dẫn đến bản di chúc không hợp pháp thì việc phân chia di sản sẽ mất đi căn cứ để chia thừa kế.
  • Khi không còn di chúc để làm căn cứ phân chia di sản thì di sản thừa kế cũng phải được phân chia cho người có quyền hưởng thừa kế. Vì vậy pháp luật quy định các trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp thì sẽ phân chia di sản dựa trên căn cứ pháp luật.
  • Ví dụ: ông A lập di chúc trong trạng thái không minh mẫn, bị lừa dối, đe dọa và bà B (vợ ông A) chứng minh được ông A bị người thứ ba đe dọa để viết di chúc thì di chúc đó không hợp pháp vì không đáp ứng điều kiện về chủ thể tại khoản 1, Điều 630 Bộ luật dân sự 2015.

2.3 Trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều chết trước người lập di chúc; cơ quan/tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế

  • Căn cứ tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 thì người có quyền thừa kế theo di chúc phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp chủ thể thừa kế là tổ chức thì phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

2.4 Trường hợp những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản

  • Người không có quyền hưởng di sản: là những trường hợp người được ghi nhận việc hưởng di sản thừa kế nhưng bị cấm nhận di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Người từ chối nhận di sản: là những người không có nhu cầu nhận di sản nên đã từ chối nhận được quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Di sản được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật

 Di sản được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật

Di sản được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật

  • Căn cứ tại Điều 612 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì di sản bao gồm cả phần tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong phần tài sản chung với người khác.
  • Tuy nhiên không phải di sản nào cũng được áp dụng để chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể di sản áp dụng được quy định tại khoản 2, Điều 650, Bộ luật dân sự năm 2015:
  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc. Ví dụ ông A có 1 căn nhà, và 1 sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng, nhưng khi ông chết ông chỉ để lại di chúc chia căn nhà cho B, C, D. Tuy nhiên ông không đề cập đến sổ tiết kiệm 500 triệu đồng thì tài sản này sẽ được chia theo quy định của pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật. Ví dụ: ông A và vợ là bà B có 1 căn nhà, nhưng ông A chết đi và để lại di chúc chia toàn bộ căn nhà cho các con thì sẽ bị vô hiệu một phần. Vì căn nhà đó là tài sản chung của ông A và bà B nên ông A chỉ có quyền chia tài sản phần của mình cho các con, phần còn lại vẫn thuộc sở hữu của bà B;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
  • Trên đây là phần thông tin liên quan đến trường hợp thừa kế theo pháp luật. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Tìm hiểu thêm về: So sánh thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.