Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Thừa kế di sản đất đai khi không có di chúc

Thừa kế di sản đất đai khi không có di chúc

23/12/2021


Di sản thừa kế đất đai được xử lý ra sao khi người để lại di sản chết không lập di chúc? Cần làm thủ tục gì để nhận di sản? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.

Thừa kế di sản đất đai khi không có di chúc
Thừa kế di sản đất đai khi không có di chúc

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1.Thừa kế theo pháp luật là gì?

2. Cách xác định hàng thừa kế theo pháp luật.

3. Những điều kiện chung để nhận di sản thừa kế là đất đai.

4. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế đất đai không có di chúc.

  Theo nguyên tắc, khi một người qua đời mà không để lại di chúc thì di sản của người đó để lại sẽ được phân chia theo hàng thừa kế được pháp luật dân sự quy định (hay còn gọi là thừa kế theo pháp luật). Đối với di sản thừa kế có giá trị lớn như là đất đai, việc phân chia di sản cũng cần phải lưu ý để tránh phát sinh tranh chấp.

  Nội dung cung cấp dưới đây sẽ giúp hiểu rõ hơn quy định pháp luật về việc thừa kế di sản đất đai, điều kiện nhận thừa kế cũng như thủ tục khai nhận di sản thừa kế đất đai.

Xem thêm: Thủ tục công chứng lưu giữ di chúc mới nhất.

1.Thừa kế theo pháp luật là gì?

  • Pháp luật quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015), cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
  • Cũng tại Điều 649 BLDS 2015 có định nghĩa thừa kế theo pháp luật là việc thừa kế theo hàng thừa kế, với điều kiện, trình tự thừa kế do luật định.
  • Đất đai được xem tài sản, khi tài sản thuộc quyền sở hữu của một người mà người đó chết thì trở thành di sản và được đem chia theo hàng thừa kế nếu không có di chúc. Quyền thừa kế di sản đất đai theo pháp luật bao gồm các trường hợp tại Điều 650 BLDS 2015 như sau:
    • Nhận thừa kế khi không có di chúc;
    • Khi có di chúc nhưng không hợp pháp;
    • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
    • Cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
    • Những người được người lập di chúc chỉ định thừa kế nhưng lại không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
  • Ngoài ra nếu các phần di sản chưa được phân chia thừa kế theo di chúc thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật, cụ thể đối với các phần di sản:
    • Không được định đoạt trong di chúc;
    • Liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
    • Liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

2. Cách xác định hàng thừa kế theo pháp luật

  • Theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015, những người được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản là quyền sử dụng đất sẽ lần lượt được xác định theo thứ tự sau đây:
    • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
    • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
    • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  • Lưu ý: Những người thừa kế trên cùng hàng thừa kế thì được hưởng phần di sản bằng nhau. Và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

3. Những điều kiện chung để nhận di sản thừa kế là đất đai

  • Người nhận thừa kế di sản là quyền sử dụng đất khi không có di chúc ngoài việc được phân chia theo pháp luật thì còn phải đáp ứng các điều kiện nhận thừa kế là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai cụ thể tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau:
  • Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận QSDĐ);
    • Giấy chứng nhận QSDĐ được xem là một chứng thư pháp lý để Nhà nước căn cứ vào đó nhằm xác nhận mối quan hệ hợp pháp với người sử dụng đất. Người sử dụng đất đứng tên trực tiếp trên Giấy chứng nhận QSDĐ sẽ được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo luật định. Đây là điều kiện để nhận thừa kế di sản, tuy nhiên, điều kiện này lại không mang tính tuyệt đối với thừa kế quyền sử dụng đất.
    • Pháp luật vẫn cho phép người sử dụng đất trong một vài trường hợp họ vẫn có quyền để lại thừa kế khi chưa có Giấy chứng nhận QSDĐ. Vì vậy, nếu người nhận thừa kế đưa ra chứng cứ chứng minh người để lại di sản có quyền sử dụng đất hợp pháp thì quyền sử dụng đất đó vẫn được xác định là di sản và được chia thừa kế theo pháp luật.
  • Đất phải không được có tranh chấp;
  • Người nhận thừa kế khi nộp hồ sơ đăng ký nhận thừa kế quyền sử dụng đất cần phải chứng minh đất đai là di sản thừa kế đó không bị tranh chấp. Bằng cách cung cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc các loại giấy tờ hợp lệ có liên quan đến quyền sử dụng đất cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Người nhận thừa kế phải lưu ý khi nhận thừa kế thì đất đai không được cơ quan Nhà nước kê biên để thực hiện việc thi hành án theo pháp luật. Vì lúc này quyền định đoạt tài sản đã không còn thuộc quyền của chủ sở hữu do đó khi nhận thừa kế thì người thừa kế đối với phần đất bị kê biên cũng sẽ không có quyền này.
  • Đất đai thừa kế đang trong thời hạn sử dụng đất.
  • Thời hạn sử dụng đất là khoảng thời gian mà người sử dụng được phép sử dụng đất và phụ thuộc theo từng loại đất, mục đích sử dụng, loại chủ thể sử dụng đất mà thời hạn sử dụng đất là khác nhau. Chính vì đất đai có thời hạn sử dụng nên thời hạn còn lại đó cũng chính là thời hạn được sử dụng đất của những người được nhận thừa kế. Do đó người khai nhận thừa kế đất đai phải xem xét về thời hạn sử dụng đất để cân nhắc về việc gia hạn quyền sử dụng đất cũng như quyền nhận thừa kế của mình.

4. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế đất đai không có di chúc

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Căn cứ theo Điều 58 Luật công chứng 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP, người nhận thừa kế không có di chúc muốn nhận di sản là đất đai cần phải đến Văn phòng công chứng để khai nhận di sản thừa kế theo thủ tục sau:

  • Bước 1: Yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất
  • Hồ sơ yêu cầu công chứng bao gồm:
    • Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
    • Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
    • Giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người nhận di sản.
    • Giấy tờ về nhân thân: CMND, hộ khẩu của người nhận thừa kế.
  • Bước 2: Công chứng viên tiến hành kiểm tra, xác minh, thụ lý công chứng
    • Sau khi kiểm tra công chứng viên sẽ thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản. Tiến hành việc niêm yết văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
    • Sau 15 ngày niêm yết tại Uỷ ban nhân dân, nếu người nhận thừa kế không có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan công chứng sẽ tiến hành chứng nhận văn bản thừa kế.
  • Bước 3: Đăng ký biến động đất đai
    • Căn cứ tại Điều 95 Luật Đất đai 2013 và Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, sau khi được văn phòng công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế thì trong thời hạn 30 ngày, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Xem thêm: Tổng hợp những điều cần biết về thừa kế theo pháp luật.

  • Trên đây là một số thông tin về Thủ tục nhận thừa kế di sản đất đai khi không có di chúc. Để biết chi tiết thêm về vấn đề thừa kế quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật về thừa kế cũng như các giấy tờ hồ sơ cần có khi đăng ký khai nhận di sản thừa kế, quý khách có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.