Quy định pháp luật về hợp đồng uỷ quyền lại
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1.Hợp đồng uỷ quyền lại là gì?
2. Các trường hợp không được uỷ quyền.
3. Các quy định pháp luật về uỷ quyền lại trong bộ luật dân sự.
3.1 Chủ thể và hình thức hợp đồng uỷ quyền lại.
3.2 Quyền và nghĩa vụ của bên được uỷ quyền lại.
3.3 Quyền và nghĩa vụ của bên uỷ quyền lại.
4. Thời hạn uỷ quyền lại.
Việc uỷ quyền hiện nay được mọi người sử dụng rất nhiều trong giao dịch dân sự bởi vì một bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng không phải lúc nào cũng có thể trực tiếp tham gia thực hiện hợp đồng. Vì vậy, pháp luật cho phép họ được uỷ quyền cho người khác nhân danh mình thực hiện một hoặc một số công việc trong hợp đồng. Tuy nhiên, bên được uỷ quyền nếu không thể thực hiện công việc thay cho bên uỷ quyền như trong giao kết thì có được uỷ quyền lại cho người khác không? Pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này, nội dung sau đây sẽ làm rõ về vấn đề này.
- Uỷ quyền lại là việc bên được uỷ quyền sẽ uỷ quyền cho người thứ ba để họ thay mình thực hiện công việc mà đã được uỷ quyền từ bên uỷ quyền. Phạm vi công việc uỷ quyền lại cho người thứ ba không được vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu mà đã được giao kết trong hợp đồng giữa bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền.
- Đồng thời hình thức của hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức uỷ quyền ban đầu. Có nghĩa là nếu hình thức của hợp đồng uỷ quyền ban đầu được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực thì hình thức hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải được thực hiện theo hình thức bằng văn bản có công chứng, chứng thực.
- Theo Điều 564 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về các trường hợp được uỷ quyền lại như sau:
-
- Bên được uỷ quyền được phép uỷ quyền lại khi có sự đồng ý của bên ủy quyền;
- Bên được uỷ quyền được phép uỷ quyền lại trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng mà nếu không thực hiện việc ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
➤ Xem thêm: Có được uỷ quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không?
- Khi các bên muốn thực hiện việc uỷ quyền cho người khác nhân danh mình thực hiện một hoặc một số công việc nào đó thì cũng cần phải lưu ý không phải trong trường hợp nào các cá nhân, tổ chức đều có thể uỷ quyền cho người khác. Pháp luật quy định các trường hợp đặc trưng mà đòi hỏi cá nhân, pháp nhân phải tự mình trực tiếp thực hiện công việc, cụ thể:
Khi thực hiện việc đăng ký kết hôn thì cá nhân buộc phải trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch 2014.
Hoặc khi ly hôn theo quy định pháp luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) tại Khoản 4 Điều 85 thì pháp luật không cho phép đương sự được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.
- Trừ trường hợp tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, khi một bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình thì lúc này cha, mẹ, người thân thích khác sẽ là người đại diện và họ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Thực hiện việc công chứng di chúc của mình căn cứ tại khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng 2014
- Gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, căn cứ tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 48/2018/TT-NHNN thì cá nhân không được phép uỷ quyền cho người khác để thay mình gửi tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng.
- Tại điểm a Khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015, khi người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền.
- Đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền. Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho đương sự khác mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc theo điểm b khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015.
- Các trường hợp cụ thể khác mà pháp luật có quy định.
Hợp đồng uỷ quyền lại trong dân sự
- Hợp đồng uỷ quyền lại là sự thoả thuận của các bên dựa trên sự tự nguyện, thống nhất với nhau về việc thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền ban đầu, theo đó bên được uỷ quyền lại có nghĩa vụ phải thực hiện một hoặc một số công việc cụ thể nhân danh bên uỷ quyền ban đầu và bên uỷ quyền lại có trả thù lao nếu có thỏa thuận.
- Như vậy, chủ thể tham gia trong quan hệ uỷ quyền lại là bên được uỷ quyền lại và bên uỷ quyền lại (họ có thể là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân), trong đó bên uỷ quyền ban đầu phải biết và đồng ý về việc uỷ quyền lại. Đối tượng của uỷ quyền lại là những hành vi pháp lý hay nói cách khác là những công việc hợp pháp, không trái đạo đức xã hội và không được vượt quá phạm vi công việc uỷ quyền ban đầu. Khi đó người thứ ba (hoặc người được uỷ quyền lại) với tư cách của bên uỷ quyền lại có nghĩa vụ phải thực hiện hành vi pháp lý trong phạm vi uỷ quyền.
- Hình thức của hợp đồng uỷ quyền lại như đã nói trước đó là phải giống với hình thức của hợp đồng uỷ quyền ban đầu. Bộ luật dân sự không quy định cụ thể hình thức của hợp đồng uỷ quyền là phải lập thành văn bản do đó các bên có thể thỏa thuận.
- Quyền và nghĩa vụ của bên được uỷ quyền lại cũng sẽ tương tự như quyền và nghĩa vụ của bên được uỷ quyền, trong đó có một số quyền và nghĩa vụ cần lưu ý tại Điều 565 BLDS 2015 như sau:
- Bên được uỷ quyền lại có nghĩa vụ phải thực hiện công việc theo uỷ quyền và báo lại cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
- Chỉ được phép thực hiện những hành vi pháp lý hoặc những công việc được giao trong phạm vi uỷ quyền đã thoả thuận tại hợp đồng uỷ quyền lại và phù hợp với phạm vi công việc trong hợp đồng uỷ quyền giữa bên uỷ quyền và bên uỷ quyền lại.
- Được thanh toán chi phí hợp lý để thực hiện công việc ủy quyền hoặc được hưởng thù lao nếu có thỏa thuận trong hợp đồng.
- Tại Điều 567, 568 BLDS 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của bên uỷ quyền lại như sau:
- Bên uỷ quyền lại được yêu cầu bên được ủy quyền lại phải thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.
- Được quyền yêu cầu bên uỷ quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để bên được ủy quyền (bên uỷ quyền lại) và bên thứ ba thực hiện hành vi pháp lý đã được ủy quyền.
- Có thể ủy quyền lại toàn bộ hay một phần công việc trong phạm vi uỷ quyền cần thiết cho người được uỷ quyền lại để thực hiện những giao dịch dân sự trong phạm vi uỷ quyền ban đầu.
- Trả thù lao cho bên được uỷ quyền lại theo thoả thuận nếu có.
- Căn cứ tại Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hạn có hiệu lực của hợp đồng uỷ quyền sẽ do các bên thỏa thuận thống nhất với nhau, thông thường được hai bên ấn định cụ thể hoặc cho tới khi bên được uỷ quyền hoàn thành công việc được giao. Trong trường hợp hợp đồng uỷ quyền không xác định rõ về thời hạn thì sẽ do pháp luật quy định. Nếu pháp luật không có quy định và hai bên cũng không thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng khi giao kết thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
- Như vậy, thời hạn trong hợp đồng uỷ quyền lại cũng sẽ phụ thuộc vào thời hạn trong hợp đồng uỷ quyền ban đầu mà bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền đã giao kết hoặc theo luật quy định nếu không có thoả thuận.
➤ Xem thêm: Hiểu đúng về hợp đồng uỷ quyền thụ uỷ.
- Tóm lại, hợp đồng uỷ quyền lại là một hình thức trong giao dịch dân sự mà cũng được sử dụng khá phổ biến trên thực tế hiện nay. Việc hiểu những quy định pháp luật về việc uỷ quyền lại dựa trên các thông tin chúng tôi đã cung cấp sẽ giúp các cá nhân, tổ chức vận dụng linh hoạt và dễ dàng hơn trong giao kết hợp đồng uỷ quyền lại theo đúng quy định pháp luật.