Hình 1. Những điều cần biết về hợp đồng ở nhờ nhà ở
Khi đến một nơi khác để sinh sống, mọi người thường nghĩ đến việc sẽ mua nhà hoặc thuê nhà. Tuy nhiên, vẫn còn hình thức khác tiết kiệm chi phí về nhà ở hơn đó là ở nhờ nhà. Vậy, khi giao kết hợp đồng ở nhờ nhà ở, các bên cần phải lưu ý những gì? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc đó của bạn.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Hợp đồng ở nhờ nhà ở là gì?
2. Điều kiện nhà ở là đối tượng hợp đồng ở nhờ nhà ở.
3. Điều kiện về chủ thể trong hợp đồng ở nhờ nhà ở.
3.1. Bên cho ở nhờ.
3.2. Bên ở nhờ.
4. Chấm dứt hợp đồng ở nhờ nhà ở.
- Pháp luật hiện nay không quy định như thế nào là ở nhờ nhà ở. Theo đó, trên thực tế, hoạt động ở nhờ nhà ở được hiểu là việc một người đến lưu trú tại nhà của một người khác (thông thường là những người thân quen, thân thuộc trong gia đình) thay vì thuê, mua nhà ở để giảm bớt chi phí sinh hoạt (chi phí thuê nhà hoặc mua nhà). Như vậy, việc ở nhờ nhà ở có bản chất là giao dịch mượn tài sản (mượn nhà ở).
- Căn cứ Điều 494 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa bên cho mượn và bên mượn, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để bên mượn sử dụng trong một khoảng thời hạn mà không phải trả tiền cho bên cho mượn, bên mượn phải trả lại tài sản đó cho bên cho mượn khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Như vậy, hợp đồng ở nhờ nhà ở là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên có nhà ở (bên cho ở nhờ) cho bên ở nhờ sử dụng căn nhà trong một khoảng thời gian nhất định mà không phải trả tiền cho bên cho ở nhờ. Sau thời gian cho ở nhờ, bên ở nhờ phải trả lại căn nhà đó cho bên cho ở nhờ.
- Căn cứ Điều 121 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng ở nhờ nhà ở phải được lập thành văn bản và có các nội dung cơ bản sau:
- Họ và tên của các bên trong hợp đồng ở nhờ nhà ở;
- Mô tả đặc điểm của nhà ở cho ở nhờ;
- Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho ở nhờ nhà ở;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng ở nhờ nhà ở;
- Cam kết của các bên;
- Các thỏa thuận khác;
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng ở nhờ nhà ở;
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng ở nhờ nhà ở;
- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên trong hợp đồng ở nhờ nhà ở.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Thủ tục công chứng hợp đồng cho ở nhờ.
- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở 2014, nhà ở là đối tượng trong hợp đồng ở nhờ nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, căn cứ khoản 9 Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, trường hợp cho ở nhờ nhà ở thì bên cho ở nhờ phải có hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở ký với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc có Giấy phép xây dựng hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về đất đai nếu là đầu tư xây dựng nhà ở. Như vậy, nhà ở cho ở nhờ không bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Nếu nhà ở không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì bên cho ở nhờ phải có một trong các giấy tờ nêu trên để chứng minh nguồn gốc và quyền sở hữu đối với nhà ở. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì chỉ khi bên cho ở nhờ có quyền đối với nhà ở thì họ mới có quyền cho phép ai ở nhờ.
- Ngoài điều kiện nêu trên, nhà ở cho ở nhờ còn phải đáp ứng các điều kiện: Không bị tranh chấp, bị khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu và đang trong thời hạn sở hữu nhà ở (đối với sở hữu nhà ở có thời hạn); Không bị kê biên; và Không thuộc diện bị phá dỡ nhà ở theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
- Như vậy, nhà ở là đối tượng của hợp đồng ở nhờ nhà ở phải có đủ các điều kiện như sau:
- Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu nhà ở;
- Không bị tranh chấp, bị khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu và đang trong thời hạn sở hữu nhà ở (đối với sở hữu nhà ở có thời hạn);
- Không bị kê biên;
- Không thuộc diện quyết định bị giải toả, phá dỡ hoặc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hình 2. Điều kiện về chủ thể trong hợp đồng ở nhờ nhà ở
- Căn cứ khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở 2014, điều kiện bên cho ở nhờ tham gia hợp đồng ở nhờ nhà ở gồm:
- Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người ủy quyền của chủ sở hữu theo giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền hợp pháp;
- Chủ sở hữu là cá nhân: phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Chủ sở hữu là tổ chức: phải có tư cách pháp nhân.
- Lưu ý về nhà ở thuộc sở hữu chung tại Điều 153 Luật Nhà ở 2014:
- Nhà ở cho ở nhờ thuộc sở hữu chung hợp nhất thì khi giao kết hợp đồng ở nhờ nhà ở cần phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu nhà ở đó.
- Nhà ở cho ở nhờ thuộc sở hữu chung theo phần thì bên cho ở nhờ chỉ có quyền cho ở nhờ phần nhà ở thuộc sở hữu của mình và không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu chung còn lại.
- Các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung có thể ủy quyền cho người đại diện ký hợp đồng cho ở nhờ nhà ở.
- Căn cứ khoản 2 Điều 119 Luật Nhà ở 2014, điều kiện bên ở nhờ tham gia hợp đồng ở nhờ nhà ở gồm:
- Nếu là cá nhân trong nước: phải có đủ năng lực hành vi dân sự và và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở cho ở nhờ;
- Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài: phải có đủ năng lực hành vi dân sự, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định pháp luật và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú/thường trú tại nơi có nhà ở cho ở nhờ.
- Căn cứ Điều 154 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng ở nhờ nhà ở chấm dứt trong các trường sau đây:
- Thời hạn cho ở nhờ nhà ở đã hết. Thời hạn cho ở nhờ nhà ở do các bên thỏa thuận và là một trong các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng ở nhờ nhà ở.
- Nhà ở cho ở nhờ không còn. Đây là trường hợp đối tượng của hợp đồng ở nhờ nhà ở không còn do bị phá bỏ hoặc bị cháy hoặc bị tiêu hủy,... mà không do lỗi của một trong hai bên.
- Bên ở nhờ nhà ở chết hoặc mất tích theo Quyết định của Tòa án.
- Nhà ở cho ở nhờ có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc diện giải tỏa, phá dỡ hoặc thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng ở nhờ nhà ở. Hợp đồng ở nhờ nhà ở có thể được chấm dứt trong bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu hai bên thống nhất được ý chí.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Các loại giấy tờ cần công chứng, chứng thực liên quan đến các giao dịch về nhà đất mà bạn nên biết.
- Trên đây là những thông tin pháp luật về Những điều cần biết về hợp đồng ở nhờ nhà ở. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục công chứng hợp đồng giao dịch hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.