Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những điều cần biết về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

Những điều cần biết về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

25/01/2022


Nhà ở là một trong những loại tài sản được sử dụng để góp vốn/hùn vốn hợp tác kinh doanh. Vậy quy định của pháp luật về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở như thế nào?

Những điều cần biết về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

Những điều cần biết về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Tìm hiểu về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở.

1.1 Góp vốn là gì?

1.2 Tìm hiểu về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở.

2. Điều kiện góp vốn bằng nhà ở.

3. Cách định giá nhà ở dùng để góp vốn.

  Nhà ở là một trong những loại tài sản được sử dụng để góp vốn/hùn vốn hợp tác kinh doanh. Vậy pháp luật quy định về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở như thế nào? Cùng điểm qua những điều cần biết về loại hợp đồng góp vốn bằng nhà ở thông qua bài viết này

1. Tìm hiểu về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

1.1 Góp vốn là gì?

  • Theo khái niệm góp vốn của doanh nghiệp quy định tại khoản 18, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì góp vốn là việc dùng tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Nghĩa là việc góp vốn chính là nhiều chủ thể khác nhau cùng đóng góp tài sản để hợp tác kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận và phân chia lợi nhuận đạt được. Việc góp vốn không chỉ xuất hiện trong mối quan hệ doanh nghiệp, mà còn các trường hợp cùng góp vốn để mua tài sản khác, sử dụng chung tài sản(ví dụ góp vốn mua đất, góp vốn mua xe cùng sử dụng…).

1.2 Tìm hiểu về hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

  • Theo quy định tại khoản 1, Điều 150 Luật Nhà ở 2014 thì việc góp vốn bằng nhà ở phải được thể hiện thông qua hình thức hợp đồng đảm bảo có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014, bao gồm:
  • Thông tin của các bên trong quan hệ góp vốn bằng nhà ở(đối với cá nhân:Họ và tên, CMND/CCCD/Hộ chiếu…; đối với tổ chức: tên tổ chức, địa chỉ của tổ chức…);
  • Mô tả đặc điểm của nhà ở dùng để góp vốn;
  • Thời hạn sử dụng căn nhà ở để góp vốn;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;
  • Cam kết của các bên về giao dịch góp vốn bằng nhà ở;
  • Các thỏa thuận khác(nếu có);
  • Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng góp vốn bằng nhà ở;
  • Ngày/tháng/năm giao kết hợp đồng góp vốn;
  • Chữ ký, ghi rõ họ tên của các bên. Lưu ý trường hợp là tổ chức thì ghi rõ chức vụ của người ký và đóng dấu của tổ chức(nếu có).
  • Tóm lại, hợp đồng góp vốn bằng nhà ở là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên liên quan đến việc sử dụng tài sản là nhà ở để góp vốn.
  • Đối với hình thức của hợp đồng góp vốn bằng nhà ở pháp luật quy định phải được lập thành văn bản. Đồng thời, căn cứ tại khoản 1, Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì hợp đồng góp vốn bằng nhà ở phải được thực hiện công chứng/chứng thực thì mới có giá trị pháp lý, trừ các trường hợp tại khoản 2, Điều 122 Luật Nhà ở 2014. Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở không bắt buộc công chứng/chứng thực khi một trong các bên trong quan hệ góp vốn là tổ chức, trường hợp này hợp đồng góp vốn này đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định pháp luật sẽ phát sinh giá trị pháp lý không phụ thuộc thủ tục công chứng. Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra thì các bên nên tiến hành công chứng hợp đồng góp vốn bằng nhà ở.

2. Điều kiện góp vốn bằng nhà ở

  • Theo quy định tại khoản 2, Điều 150 Luật Nhà ở 2014, nhà ở dùng để góp vốn phải là nhà ở có sẵn (không áp dụng đối với nhà ở hình thành trong tương lai) và thỏa mãn các điều kiện tại khoản 1, Điều 118 Luật Nhà ở 2014. Cụ thể các điều kiện đối với tài sản góp vốn bằng nhà ở như sau:
  • Nhà ở sử dụng để góp vốn cần có giấy chứng nhận theo quy định, trừ các trường hợp ngoại lệ tại khoản 2, Điều 118 Luật Nhà ở 2014;
  • Nhà ở không thuộc diện đang có tranh chấp/khiếu nại/khiếu kiện về quyền sở hữu; trường hợp nhà ở được sử dụng theo thời hạn nhất định thì việc góp vốn phải nằm trong thời hạn cho phép sử dụng của căn nhà;
  • Nhà ở không thuộc trường hợp bị kê biên để thi hành án/không bị kê biên chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước;
  • Nhà ở được sử dụng không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất/thông báo giải tỏa, phá dỡ của cơ quan nhà nước.
  • Lưu ý: Trong trường hợp nhà ở là tài sản chung với bên thứ ba thì hợp đồng góp vốn bằng nhà ở phải được sự đồng ý của tất cả đồng sở hữu căn nhà. Các chủ sở hữu chung cùng ký vào hợp đồng góp vốn bằng nhà ở hoặc thỏa thuận bằng văn bản cử người đại diện ký tên vào hợp đồng góp vốn bằng nhà ở.
  • Tóm lại, nhà ở dùng để góp vốn hợp tác kinh doanh với chủ thể khác cần đáp ứng các điều kiện liên quan đến tài sản mà pháp luật quy định. Giao dịch góp vốn bằng nhà ở đáp ứng điều kiện mới phát sinh giá trị pháp lý đầy đủ để các bên cùng thực hiện và thi hành hợp đồng.

3. Cách định giá nhà ở dùng để góp vốn

 Cách định giá nhà ở dùng để góp vốn

Cách định giá nhà ở dùng để góp vốn

  • Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản dùng để góp vốn có thể là tiền (Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi), vàng, quyền sử dụng đất, nhà ở, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản có thể định giá bằng Đồng Việt Nam. Dựa trên quy định này có thể thấy nhà ở là một trong những loại tài sản có thể dùng để góp vốn hợp tác kinh doanh. Có thể hiểu hoạt động góp vốn vào một công ty, hay góp vốn mua chung tài sản là việc các chủ thể cùng nhau hùn vốn thực hiện một công việc, hợp tác kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận.
  • Việc định giá nhà ở dùng để góp vốn rất quan trọng, nó thể hiện được tỷ lệ phần trăm góp vốn của chủ thể sử dụng nhà ở để góp vốn, giá trị của căn nhà góp vốn… Pháp luật hiện hành quy định có hai cách để sử dụng định giá nhà ở góp vốn, cụ thể:
  • Nhà ở dùng để góp vốn được các bên trong quan hệ góp vốn định giá theo nguyên tắc đồng thuận dựa trên sự thỏa thuận của các bên;
  • Nhà ở dùng để góp vốn được định giá thông qua việc thuê cơ quan/tổ chức thẩm định giá để xác định giá trị của nhà ở. Việc thẩm định giá nhà ở góp vốn phải được đa số các bên trong quan hệ góp vốn đồng ý.
  • Các chủ thể thực hiện góp vốn thông qua tài sản là nhà ở có thể thực hiện việc lựa chọn một trong hai cách trên để định giá tài sản hoặc kết hợp cả hai phương thức định giá để xem xét giá trị căn nhà góp vốn chính xác nhất.
  • Trên đây là phần trình bày liên quan đến hợp đồng góp vốn bằng nhà ở. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Có thể bạn quan tâm: Hợp đồng góp vốn bằng tiền.