Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những điều cần biết về giấy vay tiền cá nhân

Những điều cần biết về giấy vay tiền cá nhân

25/01/2022


Khi giao kết và thực hiện giấy vay tiền cá nhân cần lưu ý những vấn đề gì? Hãy tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.

Những điều cần biết về giấy vay tiền cá nhân

Hình 1. Những điều cần biết về giấy vay tiền cá nhân

  Việc vay tiền được lập bằng giấy vay tiền đã quá quen thuộc trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là giấy vay tiền cá nhân. Vậy, khi giao kết và thực hiện thỏa thuận theo giấy vay tiền cá nhân, các bên cần biết những vấn đề gì? Bài viết sau đây sẽ trình bày sẽ giải đáp thắc mắc đó của bạn về giấy vay tiền cá nhân, cụ thể bài viết trình bày vấn đề pháp lý liên quan đến việc vay tiền giữa cá nhân với cá nhân.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Giấy vay tiền cá nhân là gì?

2. Giấy vay tiền cá nhân có phải công chứng, chứng thực không?

3. Điều kiện có hiệu lực của giấy vay tiền cá nhân.

4. Nghĩa vụ của các bên trong giấy vay tiền cá nhân.

4.1. Nghĩa vụ của người cho vay.

4.2. Nghĩa vụ của người vay.

5. Lãi suất khi vay tiền cá nhân.

6. Lãi suất bao nhiêu thì phạm tội cho vay nặng lãi?

1. Giấy vay tiền cá nhân là gì?

  • Pháp luật không quy định về giấy vay tiền cá nhân. Tuy nhiên, căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả tài sản cho bên cho vay theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Trong đó, bên cho vay và bên vay có thể là cá nhân, tổ chức.
  • Như vậy, từ khái niệm hợp đồng vay tiền, giấy vay tiền cá nhân có thể hiểu đây vẫn là một giao dịch dân sự mà trong đó người cho vay và người vay thỏa thuận về việc người cho vay sẽ đưa một khoản tiền cho người vay và người vay phải trả nợ cho người cho vay khi đến hạn trả nợ. Các bên trong giấy vay tiền cá nhân là cá nhân.
  • So với lập hợp đồng vay thì giấy vay tiền đơn giản hơn nhưng vẫn có đầy đủ thông tin thể hiện quan hệ vay tiền giữa các bên, cụ thể như thông tin các bên, số tiền vay, thời hạn trả tiền vay và lãi suất. Do đó, trong thực tế, giấy vay tiền cá nhân thường được lập khi các cá nhân có mối quan hệ quen biết, thân thiết với nhau.

2. Giấy vay tiền cá nhân có phải công chứng, chứng thực không?

  • Căn cứ Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được lập bằng lời nói hoặc bằng văn bản hoặc bằng một hành vi cụ thể.
  • Như vậy, người vay tiền và người cho vay tiền có thể thiết lập quan hệ vay tiền bằng lời nói hoặc bằng văn bản hoặc bằng một hành vi cụ thể (các bên thỏa thuận, thống nhất ý chí về nội dung vay tiền và thực hiện giao nhận tiền). Trường hợp các bên lập giấy vay tiền (bằng văn bản) thì pháp luật không bắt buộc phải công chứng, chứng thực giấy vay tiền này.
  • Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên và tránh rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện việc vay tiền, các bên nên thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực giấy vay tiền để tăng giá trị pháp lý về mặt chứng cứ chứng minh của giấy vay tiền.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Thủ tục công chứng giấy vay tiền theo quy định mới nhất hiện nay.

3. Điều kiện có hiệu lực của giấy vay tiền cá nhân.

  Giấy vay tiền cá nhân được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 sau đây:

  • Về mặt chủ thể:
  • Người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của họ tham gia vào giao dịch vay tiền.
  • Người từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi khi tham gia vào giao dịch vay tiền phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật nếu giao dịch vay tiền đó không phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể tự mình tham gia vào giao dịch vay tiền cá nhân.
  • Người thành niên (từ 18 tuổi trở lên) có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tham gia giao dịch vay tiền hoàn toàn tự nguyện.
  • Về mặt nội dung: giấy vay tiền không có những nội dung vi phạm điều cấm của luật và không được trái đạo đức xã hội.
  • Về mặt hình thức: có thể hoặc không thực hiện công chứng, chứng thực giấy vay tiền tùy thuộc vào nhu cầu của các bên trong giấy vay tiền.
  • Như vậy, giấy vay tiền cá nhân chỉ có hiệu lực pháp luật đối với các bên khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.

4. Nghĩa vụ của các bên trong giấy vay tiền cá nhân.

 Nghĩa vụ của các bên trong giấy vay tiền cá nhân

Hình 2. Nghĩa vụ của các bên trong giấy vay tiền cá nhân

4.1. Nghĩa vụ của người cho vay:

  • Căn cứ Điều 465 quy định người cho vay tiền có nghĩa vụ sau:
  • Giao tiền cho người vay tiền đầy đủ và đúng số lượng theo thỏa thuận trong giấy vay tiền vào thời điểm và địa điểm mà các bên thỏa thuận.
  • Không được yêu cầu người vay tiền trả lại tiền trước thời hạn. Trừ trường hợp nếu giấy vay tiền có kỳ hạn và không có lãi thì người cho vay chỉ được đòi lại tiền trước kỳ hạn nếu được người vay đồng ý.

4.2. Nghĩa vụ của người vay:

  Căn cứ Điều 466 quy định người cho vay tiền có nghĩa vụ sau:

  • Người vay phải trả đủ tiền khi đến hạn.
  • Nếu các bên không thỏa thuận địa điểm trả nợ thì nơi trả nợ là nơi cư trú của người cho vay.
  • Nếu giấy vay tiền thỏa thuận không có lãi mà khi đến hạn, người vay không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ thì người cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất không được vượt quá 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời hạn chậm trả nếu các bên không có thỏa thuận khác.
  • Nếu giấy vay tiền thỏa thuận có lãi mà khi đến hạn, người vay không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ thì người vay phải trả:
  • Lãi trên nợ gốc theo lãi suất được thỏa thuận trong giấy vay tiền tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả, nếu chậm trả thì phải thêm phần lãi theo mức lãi suất không được vượt quá 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời hạn chậm trả.
  • Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo giấy vay tiền tương ứng thời gian chậm trả nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Thủ tục công chứng vay thế chấp tài sản mới nhất.

5. Lãi suất khi vay tiền cá nhân.

  • Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay tiền là điều khoản không bắt buộc phải có trong giấy vay tiền. Nếu trong giấy vay tiền có thỏa thuận về lãi suất vay tiền thì mức lãi suất (%) do người vay và người cho vay thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm (tương đương 1,67%/tháng) của khoản tiền vay.
  • Nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất vượt quá quy định nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực pháp luật. Ví dụ: ông A cho ông B vay tiền với lãi suất 2%/tháng thì số tiền lãi ông B phải trả chỉ được tính trên mức lãi suất 1,67%, phần mức lãi suất vượt quá 0,03% không có hiệu lực pháp luật.
  • Nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ mức lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn  20%/năm tại thời điểm trả nợ. Như vậy, mức lãi suất được xác định trong trường hợp này là 10%/năm (tương đương 0,83%/tháng).

6. Lãi suất bao nhiêu thì phạm tội cho vay nặng lãi?

  • Như đã nêu tại Mục 5, mức lãi suất tối đa trong giấy vay tiền cá nhân không được vượt quá 20%/năm (tương đương 1,67%/tháng) của khoản tiền vay. Nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất vượt quá 20%/năm (tương đương 1,67%/tháng) thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực pháp luật.
  • Tuy nhiên, căn cứ Điều 201 Bộ luật Hình sự số 2015 quy định bên cho vay cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trong đó, mức lãi suất cho vay cấu thành tội cho vay nặng lãi là: 5 lần x 1,67%  = 8,35%/tháng (100%/năm).
  • Như vậy, khi bên cho vay cho bên vay vay với mức lãi suất từ 8,35%/ tháng (100%/năm) trở lên thì bên cho vay cấu thành tội cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật.
  • Trên đây là những thông tin pháp luật về Những điều cần biết về giấy vay tiền cá nhân. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.