Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Mất bản di chúc, di sản thừa kế phân chia như thế nào?

Mất bản di chúc, di sản thừa kế phân chia như thế nào?

18/02/2022


Bạn vô tình làm mất bản di chúc của mình hoặc của người khác vì được nhận gửi giữ. Vậy khi mất bản di chúc bạn cần làm gì, Di sản thừa kế được phân chia như thế nào?

Mất bản di chúc, di sản thừa kế phân chia như thế nào?

Mất bản di chúc, di sản thừa kế phân chia như thế nào?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1.  Lưu giữ di chúc.

2. Thời điểm mở thừa kế theo di chúc.

3. Mất bản di chúc, di sản thừa kế phân chia như thế nào?

3.1 Mất bản di chúc trước thời điểm mở thừa kế.

3.2 Mất bản di chúc sau thời điểm mở thừa kế.

  Bạn vô tình làm mất bản di chúc của mình hoặc của người khác vì được nhận gửi giữ. Vậy khi mất bản di chúc bạn cần làm gì? Di sản thừa kế sẽ được phân chia như thế nào khi bản di chúc bị thất lạc? Cùng tìm hiểu ngay.

1.  Lưu giữ di chúc

  • Theo quy định tại Điều 641, Bộ luật dân sự 2015 thì người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ di chúc hoặc gửi người khác lưu giữ bản di chúc của mình.
  • Đối với việc lưu giữ di chúc tại Tổ chức hành nghề công chứng sẽ được thực hiện theo pháp luật về dân sự, tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc phải tiến hành niêm phong di chúc theo quy định của pháp luật trước mặt người lập di chúc và ghi vào sổ lưu giữ để có thể đảm bảo chắc chắn việc lưu giữ đã được mọi người chứng kiến, tránh những tranh chấp sau này. Sau đó, Công chứng viên phải lập Giấy nhận lưu giữ di chúc gồm hai bản, một bản cấp cho người lập di chúc và một bản được lưu trữ tại tổ chức hành nghề công chứng.
  • Đối với trường hợp gửi người khác lưu giữ di chúc thì người lập di chúc nên gửi di chúc đến một người mà mình có quan hệ chặt chẽ, tin tưởng khi còn sống để bảo đảm việc phân chia di sản sau khi người lập di chúc chết đúng với mong muốn, nguyện vọng của mình. Người lập di chúc nên biết rõ một số thông tin cơ bản về người gửi giữ bản di chúc.
  • Đồng thời, theo quy định tại khoản 3, Điều 641 Bộ luật dân sự 2015 thì người giữ bản di chúc có nghĩa vụ như sau:
  • Giữ bí mật nội dung di chúc;
  • Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;
  • Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.
  • Vậy nếu như người lập di chúc đã làm mất bản di chúc được lập hoặc chủ thể nhận lưu giữ di chúc làm mất, thất lạc di chúc thì di sản thừa kế sẽ được phân chia như thế nào? Đầu tiên để biết được việc phân chia di sản như thế nào chúng ta cần tìm hiểu về thời điểm di chúc bị mất là trước khi mở thừa kế hay sau khi mở thừa kế. Cùng tìm hiểu về thời điểm mở thừa kế theo di chúc ở mục tiếp theo.

2. Thời điểm mở thừa kế theo di chúc

 Thời điểm mở thừa kế theo di chúc

Thời điểm mở thừa kế theo di chúc

  • Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền thừa kế được xác định theo hai trường hợp chính: thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Vậy thời điểm mở thừa kế cũng bao gồm hai trường hợp là mở thừa kế theo pháp luật và mở thừa kế theo di chúc.
  • Thời điểm mở thừa kế theo di chúc chính là hoạt động công khai nội dung di chúc của người đã chết. Nội dung của di chúc sẽ thể hiện rõ ràng, đầy đủ và cụ thể về di sản được nhận của từng chủ thể có quyền hưởng thừa kế theo di chúc. Đồng thời dựa trên di chúc để xác định quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản của người chết đã để lại.
  • Tóm lại, thời điểm mở thừa kế theo di chúc sẽ được căn cứ vào thời điểm người lập di chúc chết, người lập di chúc qua đời. Vậy di chúc bị mất trước thời điểm người lập di chúc còn sống và người lập di chúc đã qua đời thì di sản xử lý như thế nào? Tìm hiểu ở mục 3 bài viết này.

3. Mất bản di chúc, di sản thừa kế phân chia như thế nào?

3.1 Mất bản di chúc trước thời điểm mở thừa kế

  • Đối với trường hợp bản di chúc bị thất lạc trước thời điểm mở thừa kế mà thời điểm chưa mở thừa kế tức là người lập di chúc vẫn còn sống. Người lưu giữ di chúc của người khác khi làm mất hoặc thất lạc bản di chúc cần thông báo kịp thời cho người lập di chúc trước thời điểm mở thừa kế. Và khi người lập di chúc còn sống thì mọi chuyện trở nên đơn giản hơn. Vì người có ý muốn chia tài sản của mình sau khi chết có thể lập lại một bản di chúc mới thay thế cho bản di chúc đã bị mất trước đó.
  • Người lập di chúc cũng không cần lo lắng nếu nội dung của bản di chúc mới không khớp với nội dung bản di chúc có ảnh hưởng gì không. Vì theo quy định tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi một chủ thể để lại quá nhiều bản di chúc đối với một tài sản thừa kế thì chỉ bản di chúc được lập sau cùng mới có hiệu lực. Vậy nghĩa là bản di chúc cuối cùng được người có ý muốn chia di sản lập thành bản di chúc đáp ứng các điều kiện hợp pháp thì có thể thay thế bản di chúc bị mất. Việc phân chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện theo bản di chúc hợp pháp mới được lập.

3.2 Mất bản di chúc sau thời điểm mở thừa kế

  • Vậy đối với trường hợp người lập di chúc đã chết tức là sau thời điểm mở thừa kế thì di sản thừa kế được phân chia như thế nào khi mất di chúc? Nếu như từ thời điểm mở thừa kế mà bản di chúc được lập đã bị thất lạc và không ai có thể tìm thấy cũng như không có minh chứng để chứng minh nguyện vọng phân chia di sản của người đã lập di chúc thì xem như trường hợp này không có di chúc và di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật. Đối với các trường hợp sau thời điểm mở thừa kế lại tìm thấy bản di chúc bị mất thì được xử lý như sau:
  • Nếu sau thời điểm mở thừa kế nhưng những người có quyền hưởng thừa kế chưa thực hiện thủ tục phân chia di sản mà tìm thấy bản di chúc bị mất thì sẽ thực hiện phân chia theo nội dung bản di chúc hợp pháp.
  • Nếu sau thời điểm mở thừa kế và các bên có quyền hưởng thừa kế đã thực hiện thủ tục phân chia di sản và nằm trong thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 (cụ thể đối với bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm) mà tìm thấy bản di chúc bị mất, người có quyền hưởng thừa kế theo nội dung di chúc có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc. Trường hợp phát hiện bản di chúc bị thất lạc, nhưng những người hưởng di sản theo di chúc không yêu cầu phân chia lại thì di sản thừa kế không phải thực hiện việc phân chia lại.
  • Có thể thấy việc lưu giữ di chúc có ý nghĩa quan trọng trong việc phân chia di sản thừa kế. Trường hợp làm mất bản di chúc thì có rất nhiều các vấn đề phát sinh liên quan. Vì vậy để bảo đảm an toàn pháp lý cho bản di chúc được lập cũng như bảo đảm việc lưu giữ di chúc an toàn nhất, người lập di chúc nên thực hiện việc lưu giữ di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hơn là giao cho một người thân quen lưu giữ.
  • Mặc dù di chúc bị mất sau thời điểm thừa kế nhưng về cơ bản di chúc đó sẽ không bị mất giá trị hiệu lực, giá trị thi hành. Vì khi bản di chúc xuất hiện sau thời điểm chưa được phân chia hoặc đã được phân chia cũng sẽ được xác định theo nội dung di chúc cùng với yếu tố liên quan đến quyền yêu cầu của người hưởng di sản thừa kế theo di chúc.
  • Trên đây là một thông tin tham khảo liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế khi bản di chúc bị thất lạc. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Tìm hiểu thêm về: Thủ tục công chứng lưu giữ di chúc.