Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hợp đồng ủy quyền có thù lao có được đơn phương chấm dứt hay không?

Hợp đồng ủy quyền có thù lao có được đơn phương chấm dứt hay không?

30/12/2021


Đơn phương chấm dứt hợp đồng là quyền của các bên trong giao dịch dân sự. Vậy hợp đồng ủy quyền có thù lao có được thực hiện việc đơn phương chấm dứt hay không?

Hợp đồng ủy quyền có thù lao có được đơn phương chấm dứt hay không?

Hợp đồng ủy quyền có thù lao có được đơn phương chấm dứt hay không?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hợp đồng ủy quyền có thù lao là gì?

1.1 Khái niệm hợp đồng ủy quyền có thù lao.

1.2 Thời hạn của hợp đồng ủy quyền có thù lao.

2. Hợp đồng ủy quyền có thù lao có được đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không?

2.1 Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao của bên ủy quyền.

2.2 Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao của bên nhận ủy quyền.

3. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao.

  Hợp đồng ủy quyền có thù lao là một loại hợp đồng ủy quyền dựa theo tiêu chí của việc trả thù lao theo hợp đồng. Vậy trong trường hợp có thù lao thì quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng có được thực hiện hay bị ràng buộc không? Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là gì?

1. Hợp đồng ủy quyền có thù lao là gì?

1.1 Khái niệm hợp đồng ủy quyền có thù lao

  • Hiện nay theo quy định pháp luật không có khái niệm cụ thể về hợp đồng ủy quyền có thù lao. Căn cứ theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền thì có thể hiểu hợp đồng ủy quyền có thù lao là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ ủy quyền, theo đó bên nhận ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc theo ủy quyền nhân danh và đại diện cho bên ủy quyền. Đồng thời theo thỏa thuận của các bên và căn cứ dựa trên hợp đồng thì các bên sẽ thỏa thuận một mức thù lao là một số tiền nhất định hoặc lợi ích mà bên nhận ủy quyền được nhận sau khi hoàn tất công việc.
  • Trên thực tế cho thấy, không phải mọi trường hợp các chủ thể trong quan hệ giao dịch đều có khả năng tự mình thực hiện công việc. Hợp đồng ủy quyền là văn bản thể hiện sự ủy quyền thực hiện công việc cụ thể nhân danh đại diện người có quyền. Và đối với hợp đồng ủy quyền có thù lao thì sau khi hoàn tất công việc theo hợp đồng, bên nhận ủy quyền sẽ được nhận thù lao phù hợp với công việc đại diện theo ủy quyền đã thực hiện. Mục đích của pháp luật về việc quy định hợp đồng ủy quyền có thù lao nói riêng và hợp đồng ủy quyền nói chung là nhằm hỗ trợ cho người dân được thực hiện công việc liên quan một cách đảm bảo, nhanh chóng.
  • Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng ủy quyền nên hợp đồng ủy quyền thù lao do các bên thỏa thuận về hình thức sẽ tiến hành lập hợp đồng bằng văn bản, bằng lời nói và có cần thực hiện thủ tục công chứng hay không. Tuy nhiên phải xem xét ở pháp luật chuyên ngành của từng vấn đề, giao dịch để xem hình thức của hợp đồng ủy quyền đó có bắt buộc thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền hay không?

1.2 Thời hạn của hợp đồng ủy quyền có thù lao

  • Căn cứ theo quy định tại Điều 563 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hạn ủy quyền của hợp đồng ủy quyền có thù lao do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền sẽ có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập hợp đồng ủy quyền.
  • Các bên hoàn toàn có thể lựa chọn mốc thời gian cụ thể để làm thời hạn ủy quyền. Trường hợp các bên không thống nhất được mốc thời hạn hoặc không quy định cụ thể trong hợp đồng ủy quyền thì thời hạn có hiệu lực của hợp đồng là 01 năm, kể từ ngày các bên xác lập giao dịch ủy quyền. Vậy trong quan hệ hợp đồng ủy quyền có thù lao thì các bên có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không hay phải phụ thuộc vào việc đồng ý của từ các bên trong quan hệ ủy quyền.

2. Hợp đồng ủy quyền có thù lao có được đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không?

  • Căn cứ theo quy định tại Điều 438, Điều 569 Bộ luật dân sự 2015 trong trường hợp ủy quyền có thù lao hay không có thù lao thì các bên trong quan hệ hợp đồng đều có khả năng thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Về cơ bản hợp đồng ủy quyền cũng là một loại hợp đồng dân sự được xác lập bởi sự thỏa thuận của các bên dựa trên ý chí thiện chí trung thực vì vậy các bên cũng có quyền thực hiện việc chấm dứt hợp đồng phù hợp với quy định pháp luật. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền cũng là thể hiện quyền chấm dứt hợp đồng tuy nhiên cần xem xét theo từng trường hợp có thù lao hay không và chủ thể trong quan hệ ủy quyền muốn chấm dứt là bên nhận ủy quyền hay bên ủy quyền.

2.1 Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao của bên ủy quyền

  • Theo quy định tại khoản 1 Điều 569 Bộ luật dân sự 2015 thì trong quan hệ hợp hợp đồng ủy quyền có thù lao thì bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, người ủy quyền phải thanh toán đầy đủ thù lao cho bên nhận ủy quyền tương ứng với công việc theo đại diện ủy quyền mà bên nhận ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại cho bên nhận ủy quyền.
  • Bên ủy quyền có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản đến cho bên thứ ba biết về việc đại diện ủy quyền theo hợp đồng đã chấm dứt. Nếu bên ủy quyền không thông báo thì hợp đồng của người nhận ủy quyền đã tiến hành giao dịch với bên thứ ba vẫn sẽ phát sinh hiệu lực, trừ các trường hợp chủ thể thứ ba biết hoặc theo quy định phải biết về hợp đồng ủy quyền đã được chấm dứt bởi việc đơn phương chấm dứt từ bên ủy quyền.

2.2 Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao của bên nhận ủy quyền

  • Theo quy định tại khoản 2 Điều 569 Bộ luật dân sự 2015 thì trong trường hợp ủy quyền có thù lao thì bên nhận ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền theo thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật (nếu có).

3. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao

 

Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao

  • Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao cũng sẽ tuân theo quy định chung về hậu quả của việc chấm dứt quan hệ hợp đồng. Cụ thể theo quy định tại Điều 428 Bộ luật dân sự 2015 thì:
  • Một trong các bên trong quan hệ ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao và không phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại khi bên còn lại vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ theo hợp đồng ủy quyền hoặc do các bên thỏa thuận hoặc thuộc trường hợp pháp luật quy định. Trường hợp bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không dựa trên hành vi vi phạm của bên còn lại mà do ý chí của bên muốn chấm dứt thì bên muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
  • Bên thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền phải tuân thủ việc thông báo cho bên còn lại về việc chấm dứt hợp đồng, trường hợp không thông báo mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường cho bên còn lại;
  • Khi hợp đồng ủy quyền có thù lao bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng sẽ chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo về việc chấm dứt hợp đồng. Các bên trong quan hệ ủy quyền không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, trừ các thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và các vấn đề thỏa thuận liên quan đến việc giải quyết tranh chấp. Bên nhận ủy quyền đã thực hiện công việc ủy quyền theo hợp đồng có quyền bên ủy quyền thanh toán theo phần nghĩa vụ tương ứng đã được thực hiện;
  • Nếu bên bị thiệt hại xuất phát từ hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận theo hợp đồng của bên còn lại sẽ được bồi thường.
  • Tóm lại, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quan hệ hợp đồng ủy quyền có thù lao cần quan tâm đến hành vi vi phạm của các bên để xác định hoạt động bồi thường thiệt hại dựa trên căn cứ theo quy định pháp luật và theo hợp đồng ủy quyền. Đồng thời các bên phải thực hiện việc thông báo đến bên còn lại để đảm bảo sự thiện chí kể cả trong việc chấm dứt hợp đồng.
  • Trên đây là một số tư vấn liên quan đến quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền có thù lao. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 6365 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Tìm hiểu thêm về: Quy định pháp luật về hợp đồng uỷ quyền lại.