Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hợp đồng ủy quyền có chứng thực được không?

Hợp đồng ủy quyền có chứng thực được không?

23/12/2021


Bạn đang tìm hiểu về thủ tục chứng thực hợp đồng ủy quyền? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Hãy theo dõi bài viết sau đây.

Hợp đồng ủy quyền có chứng thực được không
Hình 1. Hợp đồng ủy quyền có chứng thực được không

  Hợp đồng ủy quyền là văn bản quá quen thuộc với nhiều người hiện nay vì sự thuận tiện của nó mang lại. Tuy nhiên, mọi người vẫn thường hay nghe về về thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền mà ít nghe về thủ tục chứng thực hợp đồng ủy quyền. Vậy, hợp đồng ủy quyền có được chứng thực hay không? Bài viết sau sẽ trình bày những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

2. Có được chứng thực hợp đồng ủy quyền không?

3. Thủ tục chứng thực hợp đồng ủy quyền.

3.1. Thành phần hồ sơ.

3.2. Các bước thực hiện.

4. Giá trị pháp lý của hợp đồng ủy quyền đã được chứng thực.

1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

  • Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa người ủy quyền và người được ủy quyền, theo đó người được uỷ quyền đại diện người ủy quyền thực hiện một hoặc một số công việc thuộc phạm vi ủy quyền trong thời hạn ủy quyền (có thể có thù lao hoặc không). Pháp luật không quy định hình thức của ủy quyền nên ủy quyền có thể xác lập bằng lời nói hoặc văn bản tùy theo sự thỏa thuận của người ủy quyền và người được ủy quyền.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Những vấn đề cần biết về thủ tục công chứng giấy ủy quyền.

2. Có được chứng thực hợp đồng ủy quyền không?

  • Căn cứ khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định chứng thực hợp đồng là thủ tục do cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thực hiện để chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng; về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng. Theo đó, phạm vi hợp đồng mà cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chứng thực là các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải chứng thực hoặc các loại hợp đồng mà pháp luật không bắt buộc chứng thực nhưng có yêu cầu chứng thực của người yêu cầu.
  • Như vậy, hợp đồng ủy quyền có thể được thực hiện chứng thực. Tuy nhiên, hợp đồng ủy quyền đã được chứng thực chỉ xác nhận tính hợp pháp về mặt hình thức của hợp đồng ủy quyền như chủ thể, thời gian, địa điểm giao kết. Như đã nêu tại Mục 1, pháp luật không bắt buộc hợp đồng ủy quyền phải có chứng thực nên nếu một trong các bên tham gia hợp đồng ủy quyền có nhu cầu thì có quyền yêu cầu thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng ủy quyền.
  • Lưu ý:
  • Người yêu cầu chứng thực chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng ủy quyền.
  • Người thực hiện thủ tục chứng thực hợp đồng ủy quyền chỉ chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng ủy quyền; về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của người ủy quyền và người được ủy quyền.

3. Thủ tục chứng thực hợp đồng ủy quyền.

  • Căn cứ Điều 34, 35, 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng ủy quyền như sau:

3.1. Thành phần hồ sơ:

  • Hồ sơ chứng thực hợp đồng ủy quyền bao gồm các giấy tờ sau đây:
  • Dự thảo hợp đồng ủy quyền;
  • Bản chính Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
  • Bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản chính giấy tờ thay thế khác được pháp luật quy định đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng có liên quan đến phạm vi hợp đồng ủy quyền.

3.2. Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Nộp hồ sơ:
    • Người yêu cầu chứng thực hoàn thiện 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên và nộp trực tiếp tại một trong hai nơi sau:
    • Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (đối với hợp đồng ủy quyền liên quan đến động sản); hoặc
    • Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (đối với hợp đồng ủy quyền liên quan đến bất động sản và động sản).
    • Ngoại lệ: trường hợp người yêu cầu là người già yếu hoặc không thể đi lại được hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác thì có thể yêu cầu thực hiện chứng thực hợp đồng ủy quyền ngoài trụ sở các cơ quan nêu trên.
  • Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
  • Người chứng thực kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực.
  • Trường hợp hồ sơ đầy đủ và người ủy quyền, người được ủy quyền tự nguyện, minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình tại thời điểm chứng thực thì người chứng thực thực hiện chứng thực.
  • Trường hợp hợp đồng ủy quyền có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội thì người chứng thực có quyền từ chối chứng thực.
  • Bước 3: Thực hiện chứng thực:
  • Người ủy quyền và người được ủy quyền ký trước mặt người chứng thực.
  • Nếu người ủy quyền hoặc người được ủy quyền không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký được, không điểm chỉ được thì phải có 02 người làm chứng (người làm chứng này phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền và lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng ủy quyền).
  • Người chứng thực ghi lời chứng vào hợp đồng ủy quyền; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
  • Lưu ý: Đối với hợp đồng ủy quyền có từ 02 trang trở lên thì từng trang trong hợp đồng ủy quyền phải được đánh số thứ tự và có chữ ký của người ủy quyền, người được ủy quyền và người chứng thực; ghi số lượng trang, lời chứng tại trang cuối của hợp đồng ủy quyền và phải đóng dấu giáp lai.
  • Bước 4: Trả kết quả.
  • Sau khi thực hiện thủ tục chứng thực, người chứng thực thu phí và trả các giấy tờ và hợp đồng ủy quyền đã được chứng thực cho người yêu cầu.
  • Thời hạn chứng thực hợp đồng ủy quyền không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực. Trường hợp thời hạn kéo dài hơn 02 ngày làm việc thì phải có văn bản thỏa thuận giữa người chứng thực với người yêu cầu.

4. Giá trị pháp lý của hợp đồng ủy quyền đã được chứng thực.

  • Căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, hợp đồng đã được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm mà các bên tham gia trong hợp đồng đã ký kết; về chủ thể năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia trong hợp đồng.
  • Như vậy, hợp đồng ủy quyền đã được chứng thực thì có giá trị pháp lý là giá trị chứng cứ chứng minh về mặt hình thức của hợp đồng (chủ thể, địa điểm, thời gian ký kết hợp đồng), không có giá trị chứng minh về mặt nội dung của hợp đồng (có vi phạm pháp luật hay trái đạo đức xã hội hay không). Trong trường hợp này, khi có tranh chấp xảy ra, các bên khởi kiện ra Tòa án thì các bên phải tự chứng minh về nội dung của hợp đồng ủy quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền được thực hiện như thế nào?

  • Trên đây là những thông tin pháp luật về Hợp đồng ủy quyền có chứng thực được không. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.