Hình 1. Di chúc đánh máy không có người làm chứng có hợp pháp không
Hiện nay, việc lập di chúc được đánh máy đang được mọi người sử dụng vì thuận tiện và nhanh chóng. Vậy, pháp luật quy định di chúc đánh máy hợp pháp khi nào? Di chúc đánh máy mà không có người làm chứng thì có hợp pháp không? Hãy đọc ngay bài viết dưới đây.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Di chúc đánh máy không có người làm chứng có hợp pháp không?
2. Hợp pháp hóa di chúc đánh máy không có người làm chứng.
3. Thủ tục công chứng di chúc đánh máy.
3.1. Thành phần hồ sơ.
3.2. Các bước thực hiện.
4. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã được công chứng.
5. Dịch vụ công chứng di chúc đánh máy tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng.
- Căn cứ Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc tự mình đánh máy văn bản di chúc hoặc nhờ người khác đánh máy văn bản di chúc thì phải có ít nhất là 02 người làm chứng. Theo đó, những người làm chứng phải chứng kiến người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào văn bản di chúc đã được đánh máy, đồng thời những người làm chứng này xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào văn bản di chúc.
- Như vậy, theo quy định pháp luật, văn bản di chúc được đánh máy chỉ hợp pháp khi có sự chứng kiến của ít nhất 02 người làm chứng. Nghĩa là, văn bản di chúc được đánh máy mà không có người làm chứng thì không phù hợp theo quy định của pháp luật, không hợp pháp.
- Để di chúc đánh máy không có người làm chứng hợp pháp thì người lập di chúc nên thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực di chúc. Lúc này, công chứng viên hoặc người thực hiện chứng thực là người làm chứng hợp pháp đảm bảo tính hợp pháp của bản di chúc đánh máy.
- Theo đó, chứng thực di chúc là việc người thực hiện chứng thực chứng nhận tính xác thực, hợp pháp về mặt hình thức của bản di chúc như chủ thể của người lập di chúc (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tỉnh táo, minh mẫn, không bị ép buộc), thời gian và địa điểm lập di chúc. So với chứng thực, công chứng di chúc là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của bản di chúc về mặt hình thức tương tự như chứng thực mà còn chứng nhận về mặt nội dung của bản di chúc (bản di chúc có nội dung không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội).
- Như vậy, người lập di chúc nên thực hiện thủ tục công chứng di chúc để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc toàn vẹn hơn, tránh các rủi ro có thể xảy ra.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Trình tự thủ tục công chứng di chúc được thực hiện như thế nào?
- Căn cứ Điều 40, 41 Luật Công chứng 2014 quy định về trình tự, thủ tục công chứng di chúc đánh máy như sau:
- Hồ sơ chuẩn bị thực hiện thủ tục công chứng di chúc đánh máy gồm các giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng (của tổ chức hành nghề công chứng);
- Dự thảo di chúc đã được đánh máy (nếu có);
- Bán chính giấy tờ nhân thân của người lập di chúc (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng);
- Bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải đăng ký theo quy định pháp luật (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm,...)
- Bản chính giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận tình trạng độc thân,...);
- Sổ hộ khẩu.
- Bước 1: Nộp hồ sơ.
- Người yêu cầu công chứng chuẩn bị và nộp 01 bộ hồ sơ nêu trên đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng) trên cả nước để thực hiện công chứng di chúc.
- Trường hợp người yêu cầu là người già yếu, không thể đi lại được, hoặc bị tạm giam, tạm giữ, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác thì có thể yêu cầu thực hiện công chứng tại nhà, tại trại giam.
- Lưu ý: Người yêu cầu phải tự mình yêu cầu thực hiện thủ tục công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác yêu cầu thực hiện thủ tục này.
- Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ.
- Công chứng viên tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định pháp luật thì công chứng viên thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có vấn đề chưa rõ hoặc có nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu thì công chứng viên có thể yêu cầu người yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ. Trường hợp không làm rõ được thì công chứng viên có quyền từ chối thực hiện công chứng di chúc.
- Bước 3: Thực hiện công chứng di chúc.
- Nếu người yêu cầu đã có văn bản di chúc đánh máy: công chứng viên kiểm tra nội dung văn bản di chúc, nếu nội dung di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì công chứng viên yêu cầu người yêu cầu sửa chữa, nếu người lập di chúc không sửa chữa thì công chứng viên từ chối công chứng.
- Nếu người yêu cầu chưa có văn bản di chúc đánh máy: công chứng viên thực hiện đánh máy văn bản di chúc theo nội dung mà người yêu cầu trình bày (đảm bảo nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội).
- Người yêu cầu đọc lại văn bản hoặc công chứng viên đọc lại cho người yêu cầu nghe. Người yêu cầu đồng ý toàn bộ nội dung văn bản di chúc đã được đánh máy thì ký tên vào từng trang của di chúc.
- Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản di chúc và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
- Bước 4: Trả kết quả.
- Công chứng viên thu phí, thù lao công chứng, trả hồ sơ công chứng cho người yêu cầu và lưu trữ hồ sơ công chứng.
- Thời hạn công chứng di chúc: không quá 02 ngày làm việc; trường hợp di chúc có nội dung phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài hơn không quá 10 ngày làm việc.
- Căn cứ khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014, người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc đã được công chứng thì người lập di chúc có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào thực hiện thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc đó. Trường hợp người lập di chúc có yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ di chúc đã được công chứng thì khi thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó, người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc đó biết.
- Như vậy, người lập di chúc có thể tự do đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào trên cả nước để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc. Tuy nhiên, người lập di chúc cần phải đáp ứng việc thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc của người lập di chúc về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc này (nếu có yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ di chúc).
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm:
➤ Thủ tục công chứng lưu giữ di chúc mới nhất.
➤ Thủ tục công chứng hủy bỏ di chúc mới nhất.
Hình 2. Dịch vụ công chứng, chứng thực tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng
- Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng với đội ngũ công chứng viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu rộng, tận tình phục vụ sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ công chứng tại văn phòng. Văn phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng rất vinh dự và tự hào được cung cấp cho Quý khách các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.
- Trên đây là những thông tin pháp luật về Di chúc đánh máy không có người làm chứng có hợp pháp không. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.