Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Trình tự thủ tục công chứng di chúc được thực hiện như thế nào?

Trình tự thủ tục công chứng di chúc được thực hiện như thế nào?

20/11/2021


Theo quy định pháp luật, việc công chứng di chúc chỉ bắt buộc đối với một số trường hợp. Công chứng di chúc được tiến hành như thế nào? Đọc bài viết để tìm hiểu ngay

Trình tự thủ tục công chứng di chúc được thực hiện như thế nào?
Trình tự thủ tục công chứng di chúc được thực hiện như thế nào?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Có bắt buộc công chứng di chúc hay không?

1.1 Di chúc là gì?

1.2 Người có quyền lập di chúc

1.3 Có bắt buộc công chứng di chúc hay không?

2. Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền công chứng di chúc?

2.1 Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng di chúc

2.2 Công chứng di chúc khác tỉnh có được hay không?

2.3 Công chứng di chúc ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng

3. Hồ sơ và trình tự thủ tục công chứng di chúc

3.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

3.2 Trình tự thủ tục công chứng di chúc

4. Dịch vụ công chứng di chúc

  Thực tế hiện nay cho thấy, việc lập di chúc đang diễn ra khá phổ biến. Đa phần mọi người đều mong muốn sau khi chết đi, tài sản của mình sẽ được chia cho những người xứng đáng được hưởng. Vì vậy họ sẽ chọn cách lập di chúc để chia phần tài sản theo ý chí và nguyện vọng của bản thân, không phụ thuộc việc chia tài sản theo quy định của pháp luật.

1. Có bắt buộc công chứng di chúc hay không?

1.1 Di chúc là gì?

  • Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm của di chúc. Di chúc là gì? Căn cứ tại Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc được trình bày dưới hình thức văn bản hoặc lời nói nhằm thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
  • Vậy về cơ bản di chúc có 03 ý chính như sau: Thứ nhất, Di chúc sẽ thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân, không bị chủ thể khác tác động; Thứ hai, Di chúc sẽ là minh chứng cho quyền của người đã chết lựa chọn những người thừa kế hợp pháp tài sản của người đã chết, phân chia tài sản theo tỷ lệ mà người có tài sản mong muốn; Thứ ba, hiệu lực của di chúc phát sinh khi và chỉ khi người để lại di chúc chết.
  • Đồng thời, về mặt hình thức của di chúc được quy định cụ thể tại Điều 627 Bộ luật dân sự năm 2015, di chúc có thể được thể hiện dưới hình thức là văn bản, trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc văn bản thì người có di nguyện chia tài sản của mình có thể để lại di chúc miệng.

1.2 Người có quyền lập di chúc

  • Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người có quyền lập di chúc được chia thành hai trường hợp:
  • Đối với người thành niên có đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của bản thân;
  • Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi sẽ được lập di chúc, nếu được cha, mẹ/người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
  • Theo quy định pháp luật, người thành niên là người từ đủ mười 18 tuổi trở lên. Vậy pháp luật quy định chủ thể có thể lập di chúc là từ đủ 15 tuổi trở lên. Trong đó, ở độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi quy định điều kiện đi kèm nếu được cha, mẹ/người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Vậy không phải trường hợp nào cũng có quyền lập di chúc. Đối với độ tuổi từ dưới 15 tuổi trở xuống, thông thường đang ở tuổi ăn học, không đáp ứng đủ năng lực hành vi, không đủ nhận thức về việc phân chia tài sản và thường là chưa có tài sản do chính mình làm ra nên pháp luật không dự trù việc lập di chúc ở độ tuổi này.
    • Đối với người thành niên muốn lập di chúc phải đảm bảo điều kiện về việc chủ thể lập di chúc hợp pháp quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015. Điều kiện yêu cầu người lập di chúc trong quá trình lập di chúc phải có trạng thái, tinh thần minh mẫn, sáng suốt; không bị chủ thể khác lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép. Trường hợp có chứng cứ chứng minh vi phạm quy định trên, thì di chúc có thể bị xem xét là không hợp pháp và thuộc giao dịch dân sự vô hiệu.
    • Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì việc lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ/người giám hộ. Tuy nhiên, mục đích đồng ý ở đây chỉ nhằm xác nhận tính hợp pháp của di chúc được lập ra. Về phần nội dung của di chúc sẽ thuộc ý chí của người lập di chúc (tức là người có độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi), không phụ thuộc vào việc cha, mẹ/người giám hộ có đồng ý nội dung phân chia tài sản thuộc ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc hay không.

1.3 Có bắt buộc công chứng di chúc hay không?

  • Căn cứ theo quy định tại Điều 628 Bộ luật dân sự năm 2015 thì có 4 hình thức di chúc thể hiện dưới dạng văn bản, bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, Di chúc bằng văn bản có người làm chứng, Di chúc bằng văn bản có công chứng, Di chúc bằng văn bản có chứng thực. Vậy tức là không phải bất kì trường hợp nào pháp luật cũng yêu cầu di chúc công chứng, mà còn các trường hợp có/không có người làm chứng và trường hợp chứng thực.
  • Đồng thời, theo quy định tại khoản 1, Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện:
  • Chủ thể:  trong quá trình lập di chúc phải có trạng thái, tinh thần minh mẫn, sáng suốt; không bị chủ thể khác lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép;
  • Nội dung: di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái với quy định của pháp luật.
  • Ngoài ra, quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 quy định về trường hợp cụ thể của việc lập di chúc cần thêm điều kiện gì như:
  • Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: bắt buộc lập thành văn bản và phải được cha, mẹ/người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc;
  • Di chúc của người bị hạn chế về thể chất/di chúc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực;
  • Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực được coi là di chúc hợp pháp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật;
  • Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
  • Vậy căn cứ theo quy định pháp luật, thì việc công chứng không bắt buộc đối với mọi chủ thể, trường hợp. Chỉ bắt buộc đối với trường hợp người bị hạn chế về thể chất/người không biết chữ có mong muốn lập di chúc. Còn các trường hợp khác nếu đáp ứng điều kiện hợp pháp về nội dung, hình thức, chủ thể… thì không cần thực hiện thủ tục công chứng vẫn có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, việc công chứng giúp cho người lập di chúc xác nhận được giá trị pháp lý chính xác trong phần nội dung di chúc, tránh được đa số rủi ro về việc di chúc vô hiệu vì phạm về phần nội dung, hình thức.
  • Đến với dịch vụ công chứng di chúc tại Văn phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng, quý khách sẽ được tư vấn và hỗ trợ một cách nhanh chóng, chính xác và tiện lợi nhất.

2. Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền công chứng di chúc?

2.1 Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng di chúc

  • Căn cứ theo quy định của Luật công chứng năm 2014 thì việc công chứng di chúc có thể được tiến hành bởi tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng/Văn phòng công chứng; Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
  • Theo quy định tại Điều 56, Luật công chứng năm 2014 thì người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác thực hiện yêu cầu công chứng di chúc của mình.

2.2 Công chứng di chúc khác tỉnh có được hay không?

  • Trong một số trường hợp, vì lý do cá nhân mà chủ thể không thể thực hiện công chứng tại địa bàn nơi có bất động sản là tài sản thừa kế thì phải làm sao? Căn cứ theo Điều 42 Luật Công chứng 2014 thì trường hợp công chứng di chúc sẽ không bị giới hạn trong phạm vi công chứng giao dịch liên quan đến bất động sản ở một tỉnh, thành phố nhất định - nơi mà tổ chức hành nghề đặt trụ sở. Vậy trường hợp công chứng di chúc, người có mong muốn lập di chúc có thể tiến hành thủ tục công chứng ở bất kì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng trên địa bàn cả nước.

2.3 Công chứng di chúc ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng

  • Không phải mọi trường hợp người có mong muốn lập di chúc đều có thể đến trụ sở của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền công chứng để thực hiện giao dịch công chứng. Pháp luật quy định tại Điều 44 Luật công chứng năm 2014 thì việc thực hiện công chứng phải thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp sau: 
  • Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được;
  • Là người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù;
  • Hoặc vì lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
  • Vậy trong trường hợp xét thấy cần thiết thì người yêu cầu công chứng có thể yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
  • Trường hợp quý khách không thể trực tiếp đến thực hiện thủ tục công chứng tại văn phòng, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ ký ngoài trụ sở để đảm bảo thuận tiện nhất cho khách hàng. Hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline miễn phí 1800 63 65 khi quý khách có nhu cầu thực hiện thủ tục công chứng di chúc.

3. Hồ sơ và trình tự thủ tục công chứng di chúc

3.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

  • Căn cứ Điều 40 Luật công chứng năm 2014 thì khách hàng có nhu cầu thực hiện thủ tục công chứng di chúc cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
  • Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu có sẵn của tổ chức hành nghề công chứng);
  • Dự thảo di chúc (có thể tự soạn hoặc đến tổ chức hành nghề công chứng để được hướng dẫn);
  • Bản chính giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng: CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn và giá trị sử dụng hoặc giấy tờ khác của người yêu cầu công chứng di
  • Bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường người yêu cầu công chứng để lại di sản đó. Ví dụ như: Sổ đỏ, Hợp đồng mua bán nhà đất, Sổ tiết kiệm...
  • Khi thực hiện thủ tục công chứng di chúc tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng, qúy khách hàng sẽ được Công chứng viên tư vấn và hướng dẫn tận tình về hồ sơ pháp lý để thực hiện thủ tục công chứng.

3.2 Trình tự thủ tục công chứng di chúc

  Căn cứ theo Điều 53 Luật công chứng năm 2014 thì Thủ tục công chứng di chúc được tiến hành theo các bước như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
  • Người yêu cầu công chứng tiến hành chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo giấy tờ hướng dẫn ở mục trên.tại tổ chức có thẩm quyền công chứng theo quy định của pháp luật.
  • Bước 2: Kiểm tra hồ sơ
  • Công chứng viên tiến hành kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ người yêu cầu công chứng đã nộp. Sau khi kiểm tra hồ sơ và nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý yêu cầu công chứng và ghi vào sổ công chứng.
  • Bước 3: Soạn thảo di chúc
  • Trường hợp người yêu cầu công chứng đã chuẩn bị dự thảo di chúc thì công chứng viên kiểm tra nội dung và hình thức của văn bản.Trường hợp trong dự thảo di chúc có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, nội dung của văn bản không phù hợp quy định của pháp luật, Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Nếu người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
  • Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng: nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Công chứng viên soạn thảo hợp đồng, giao dịch.
  • Bước 4: Ký tên
  • Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo di chúc hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.
  • Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo di chúc thì ký xác nhận vào từng trang của văn bản đó. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ hồ sơ đã nêu ở mục trên để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký tên cụ thể vào từng trang của di chúc theo quy định của pháp luật.
  • Bước 5: Nộp phí và nhận kết quả
  • Nộp phí theo quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền công chứng và nhận giấy hẹn trả kết quả. Nhận kết quả là di chúc đã được công chứng theo giấy hẹn.

4. Dịch vụ công chứng di chúc

  • Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng được thành lập theo quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 23 tháng 2 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đã đi vào hoạt động theo Giấy phép Đăng ký hoạt động số 41.02.0050/TP-CC-ĐKHĐ ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Đội ngũ công chứng viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu rộng, tận tình phục vụ sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ công chứng tại văn phòng. Văn phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng rất vinh dự và tự hào được cung cấp cho Quý khách các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.
  • Hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 63 65 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất về trình tự, thủ tục công chứng di chúc.