Hình 1. Có được mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền không?
Hiện nay, việc lập hợp đồng ủy quyền để thực hiện mua bán xe ô tô được giới thiệu rất nhiều trên các diễn đàn mua bán xe ô tô với những lợi ích như tiết kiệm chi phí, thời gian,... Tuy nhiên, việc mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền có hợp pháp hay không? Rủi ro gì xảy ra khi thực hiện việc mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền? Hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền có được không?
2. Rủi ro khi mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền.
3. Thủ tục đăng ký sang tên xe ô tô và hậu quả pháp lý khi không thực hiện thủ tục này.
- Căn cứ Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng mua bán là sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho bên mua và bên mua có nghĩa vụ trả tiền cho bên bán.
- Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa người ủy quyền và người được ủy quyền, theo đó, người được ủy quyền thay mặt người ủy quyền thực hiện một hoặc một số công việc trong phạm vi ủy quyền trong thời hạn ủy quyền (có thể có hoặc không có thù lao).
- Từ hai khái niệm trên cho thấy, hợp đồng mua bán và hợp đồng ủy quyền có bản chất hoàn toàn khác nhau. Trong hợp đồng mua bán thì bản chất là có sự chuyển giao quyền sở hữu (bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) tài sản giữa người bán sang người mua. Trong hợp đồng ủy quyền thì bản chất là người được ủy quyền chỉ đại diện người ủy quyền thực hiện một hoặc một số công việc nhất định (chủ sở hữu tài sản vẫn là người ủy quyền).
- Như vậy, trường hợp mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền là không phù hợp với quy định pháp luật mặc dù hợp đồng ủy quyền đó có phạm vi ủy quyền là cho phép người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản tương tự như quyền sở hữu của người ủy quyền.
➤ Bài viết bạn có thể quan tâm: Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền được thực hiện như thế nào?
- Bởi vì mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền không hợp pháp như phân tích ở Mục 1 nên việc mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền có thể xảy ra một số rủi ro như sau:
- Dễ phát sinh mâu thuẫn về việc giao xe ô tô của người bán xe và trả tiền mua xe ô tô của người mua xe. Hợp đồng ủy quyền không thể trở thành căn cứ để Tòa án giải quyết tranh chấp mua bán tài sản (xe ô tô) khi các bên có yêu cầu khởi kiện.
- Không thể tiến hành đăng ký sang tên xe ô tô. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định người mua xe thực hiện thủ tục đăng ký sang tên xe phải nộp các loại giấy tờ trong đó có hợp đồng mua bán xe. Như vậy, khi thực hiện mua bán xe bằng hợp đồng ủy quyền thì hợp đồng ủy quyền không là một trong những giấy tờ mà pháp luật quy định người mua xe có thể thực hiện thủ tục sang tên xe.
- Người mua khó khăn trong việc bán xe ô tô cho người thứ ba nếu trong phạm vi ủy quyền không thỏa thuận về việc người mua xe ô tô có quyền định đoạt bán xe cho người thứ 3. Lúc này, người mua phải có sự đồng ý của người bán (chủ sở hữu xe ô tô) thì mới có thể thực hiện việc bán xe ô tô cho người thứ ba.
- Khi xảy ra các hành vi vi phạm của người được ủy quyền trong thời hạn ủy quyền thì tùy thuộc vào phạm vi ủy quyền mà xác định người ủy quyền có thể hoặc không phải chịu trách nhiệm liên đới. Do đó, trường hợp phạm vi ủy quyền không quy định cụ thể, rõ ràng thì dễ dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn giữa người ủy quyền và người được ủy quyền khi người được ủy quyền có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xe ô tô.
- Xe ô tô sẽ trở thành tài sản thừa kế trong trường hợp người bán xe chết nếu các bên không có thỏa thuận khác.
➤ Bài viết có thể bạn quan tâm: Tổng hợp những điều nên biết về thừa kế theo pháp luật.
- Căn cứ khoản 1, 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA, chủ xe ô tô phải có trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật về đăng ký xe. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm hợp đồng mua bán xe ô tô (chuyển quyền sở hữu xe) thì người mua xe ô tô phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.
- Căn cứ điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định chủ xe ô tô là:
- Cá nhân: bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng;
- Tổ chức: bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
- Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (chuyển tên chủ xe cũ trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định pháp luật khi mua xe ô tô.
- Như vậy, trong thời hạn 30 ngày sau kể từ ngày làm giao kết hợp đồng mua bán xe ô tô, người mua xe ô tô phải thực hiện thủ tục đăng ký sang tên xe ô tô. Trường hợp người mua xe ô tô không thực hiện thủ tục đăng ký sang tên xe ô tô theo quy định pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức.
Hình 2. Dịch vụ công chứng, chứng thực tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng
- Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng với đội ngũ công chứng viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu rộng, tận tình phục vụ sẽ mang đến cho quý khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ công chứng tại văn phòng. Văn phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng rất vinh dự và tự hào được cung cấp cho Quý khách các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.
- Trên đây là những thông tin pháp luật về Có được mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền không. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc về thủ tục này, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.