Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Sửa luật để khắc phục bất cập trong hoạt động công chứng

Sửa luật để khắc phục bất cập trong hoạt động công chứng

31/08/2021


Bên cạnh những kết quả to lớn của hoạt động công chứng, việc khắc phục những bất cập, yếu kém là đòi hỏi cấp thiết để hoạt động này tiếp tục phát huy được vai trò trong tiến trình phát triển.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phát triển tổ chức công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư

Trả lời Cổng TTĐT Chính phủ, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết: Hơn 6 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, công tác quản lý nhà nước đã đạt kết quả to lớn. Đó là, thể chế về công chứng được tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế của đất nước. Hoạt động công chứng với tính chất là một loại hình dịch vụ công được đổi mới về tổ chức và hoạt động theo hướng xã hội hoá nhằm phát huy tiềm năng to lớn của xã hội, phục vụ thuận tiện cho nhu cầu công chứng ngày càng tăng. Hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động này kết hợp nâng cao kết hợp vai trò tự quản của hội nghề nghiệp. Xây dựng được đội ngũ công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả. Đến 30/6/2021, cả nước có khoảng 47/63 địa phương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng, đạt 75%.

Thưa ông, việc bỏ quy hoạch công chứng có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động công chứng như thế nào?

Ông Lê Xuân Hồng: Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2018 đã bãi bỏ các quy định có liên quan đến quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, bên cạnh những ưu điểm (đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng phục vụ, giảm sự can thiệp cứng nhắc, không cần thiết của Nhà nước đối với hoạt động này), việc bỏ quy hoạch công chứng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập trong việc quản lý hoạt động này. Chẳng hạn như văn phòng công chứng (VPCC) thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng, phân bổ không hợp lý; tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số tổ chức hành nghề công chứng và CCV; các tổ chức hành nghề công chứng tập trung tại các khu trung tâm, đông dân cư gây khó khăn cho việc tiếp cận dịch vụ của cá nhân, tổ chức tại các vùng sâu, vùng xa...

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai tổng kết Luật Công chứng và dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng với quy định trên. Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 về chính sách phát triển nghề công chứng, trong đó xác định: Phát triển tổ chức hành nghề công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương xây dựng tiêu chí/đề án để thành lập VPCC phù hợp và tăng cường việc quản lý trong lĩnh vực này.

Thanh tra, kiểm tra công chứng “khống”, công chứng “treo”

Tình trạng công chứng “khống”, CCV chuyển từ VPCC này sang VPCC khác để “lách” quy định của pháp luật về việc mỗi VPCC phải có 2 CCV hợp danh cần được giải quyết thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lê Xuân Hồng: Về tình trạng công chứng “khống”, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng tổ chức hành nghề công chứng, CCV ký, đóng dấu sẵn văn bản công chứng nhưng bỏ trống một số nội dung như thông tin về thời gian, chủ thể, tài sản, giá trị của hợp đồng, giao dịch; khi phát sinh nhu cầu công chứng thì các bên tự điền thông tin vào văn bản công chứng. Đây là hành vi bị nghiêm cấm và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, xử lý trách nhiệm hình sự.

Để khắc phục, Bộ Tư pháp đã và đang chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm. Ngày 26/5/2021, Bộ Tư pháp có Công văn 1615/BTP-BTTP về việc triển khai Nghị quyết số 172/NQ-CP chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, thành lập các đoàn thanh tra liên ngành xử lý các vụ vi phạm trong việc công chứng hợp đồng, giao dịch, đặc biệt tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, công chứng “chờ”, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự các vi phạm về hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật”.

Cục Bổ trợ tư pháp phối hợp với Thanh tra Bộ và cơ quan công an tăng cường công tác thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm đối với  tổ chức hành nghề công chứng và CCV khi có thông tin phản ánh về hành vi công chứng “khống”, cá nhân, tổ chức sử dụng văn bản công chứng “khống” để “trốn thuế”, “rửa tiền”.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan quan, về trình tự, thủ tục công chứng cũng như nâng cao chất lượng CCV.

Về tình trạng CCV chuyển từ VPCC này sang VPCC khác để “lách” quy định của Luật Công chứng về việc mỗi VPCC phải có 2 công chứng viên hợp danh, tránh bị thu hồi quyết định cho phép thành lập. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/TT-BTP ngày 3/2/2021 quy định về việc xóa đăng ký hành nghề và thu hồi thẻ CCV khi không còn hành nghề tại tổ chức đó. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động này.

Để khắc phục căn cơ tình trạng trên, Bộ Tư pháp có giải pháp cụ thể gì?

Ông Lê Xuân Hồng: Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng và quy định về việc VPCC phải có từ 2 CCV hợp danh trở lên. Do gỡ bỏ quy định về quy hoạch dẫn đến tình trạng tại một số nơi VPCC phát triển “nóng”, không căn cứ vào nhu cầu, phân bổ không hợp lý. Đồng thời, pháp luật quy định VPCC phải có 2 thành viên hợp danh trở lên dẫn đến tình trạng “lách luật” thông qua hình thức chuyển CCV nêu trên.

Bên cạnh đó, việc quy định VPCC phải có 2 thành viên hợp danh trở lên cũng cần phải được xem xét vì hoạt động công chứng gắn liền với cá nhân CCV; văn bản công chứng do CCV xác lập, chịu trách nhiệm cá nhân; VPCC chỉ là nơi hành nghề. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ CCV đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Xử lý “độ vênh” giữa Luật Công chứng và Luật Đất đai

Một trong các vấn đề “vênh” nhau của Luật Công chứng và Luật Đất đai hiện nay là hiệu lực của văn bản công chứng. Vấn đề này cần được giải quyết thế nào?

Ông Lê Xuân Hồng: Khoản 3 Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Còn trong lĩnh vực công chứng, Khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”.

Cá nhân tôi cho rằng, đây là 2 nội dung có tính chất khác nhau. Theo đó, việc đăng ký là kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền đối với thửa đất và tài sản vào được ghi vào hồ sơ địa chính về thửa đất, người có quyền sử dụng và các biến động do Nhà nước quản lý. Việc đăng ký cũng thể hiện nguyên tắc về tài sản của công dân, tổ chức được pháp luật bảo hộ công khai, được Nhà nước công nhận, bảo vệ.

Còn văn bản công chứng thể hiện giá trị pháp lý và được thi hành, thực hiện giữa các bên tham gia giao dịch. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng và được thi hành đối với các bên liên quan. Do vậy, thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng khác với thời điểm người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất xác lập quyền sử dụng khi đăng ký theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và Luật Công chứng cũng cần nghiên cứu để quy định cụ thể và rõ hơn về vấn đề này.

Xu hướng tất yếu của “công chứng số” hiện nay

Theo các chuyên gia, việc thực hiện “công chứng số” cần được sớm thực thi trong tương lai gần. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Xuân Hồng: Ngày 15/6/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đề ra 5 nhóm mục tiêu đến năm 2025; 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia và nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành, địa phương một cách rất cụ thể.

Chuyển đổi số hoạt động công chứng là xu thế tất yếu, nằm trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Lộ trình xây dựng và áp dụng “công chứng số” sẽ phải phù hợp với chiến lược và lộ trình mà Chính phủ đã định hướng. Áp dụng “công chứng số” là một bước quan trọng hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.

Thực hiện “công chứng số” sẽ góp phần giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc mà công chứng truyền thống chưa thể giải quyết được như nạn công chứng khống, công chứng bỏ ngoài hồ sơ, gian lận về hồ sơ, giả mạo nhân thân và hồ sơ công chứng, giảm chi phí, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thủ tục, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc áp dụng “công chứng số” đặt ra yêu cầu thay đổi lớn về hành lang pháp lý, từ quy trình nghiệp vụ công chứng đến việc công nhận giá trị pháp lý của dữ liệu số, chữ ký số, xác thực dữ liệu, liên thông dữ liệu...

Việc xây dựng “công chứng số” đang được nghiên cứu nghiêm túc để báo cáo các cấp có thẩm quyền trong dự án Luật Công chứng sửa đổi sắp tới. Như tôi đã nêu, vấn đề công chứng số, trong đó có công chứng online, đang được nghiên cứu nghiêm túc để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng sắp tới.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19, khi thực hiện giãn cách xã hội nhưng các hoạt động kinh tế vẫn phải bảo đảm. Vậy chúng ta có nên thực hiện công chứng online một phần thủ tục hồ sơ công chứng không, thưa ông?

Ông Lê Xuân Hồng: Hoạt động công chứng gắn với hoạt động các hoạt động KT-XH của người dân và doanh nghiệp, nên trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, các tổ chức hành nghề công chứng vẫn làm việc để giải quyết yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.

Luật Công chứng hiện hành không có quy định về việc thực hiện công chứng theo hình thức online. Tuy nhiên, để khắc phục một phần khó khăn, một số tổ chức hành nghề công chứng đã tiếp nhận việc nộp bản sao các giấy tờ liên quan đến hợp đồng, giao dịch yêu cầu công chứng qua e-mail, phần mềm ứng dụng trực tuyến khác hoặc việc thanh toán phí công chứng thông qua thanh toán trực tuyến thay thế cho cách nộp trực tiếp như trước đây.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn (thực hiện)

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ