Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định về việc Xử lý tài sản thế chấp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

Quy định về việc Xử lý tài sản thế chấp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

19/08/2021


Các quy định về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay nói chung và xử lý tài sản thế chấp nói riêng có vai trò quan trọng trong pháp luật về thế chấp tài sản bảo đảm thực hiện hợp đồng đặc biệt là hợp đồng tín dụng ngân hàng....
  • Các quy định về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay nói chung và xử lý tài sản thế chấp nói riêng có vai trò quan trọng trong pháp luật về thế chấp tài sản bảo đảm thực hiện hợp đồng đặc biệt là hợp đồng tín dụng ngân hàng. Bởi vì, mục tiêu của thế chấp tài sản bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng ngân hàng sẽ không đạt được nếu không có một cơ chế hữu hiệu trong xử lý tài sản thế chấp. Việc xử lý tài sản thế chấp nhằm mục tiêu tạo ra nguồn trả nợ khác cho TCTD cho vay khi nguồn trả nợ chính của bên vay không có hoặc không còn đủ để trả nợ. Như vậy, không phải trong mọi trường hợp thế chấp tài sản bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng ngân hàng thì tài sản thế chấp đều phải xử lý để thu hồi nợ. Theo quy định tại Điều 299 BLDS năm 2015, quyền xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng khi nghĩa vụ bảo đảm bị vi phạm, theo thỏa thuận hoặc theo luật có quy định.
  • Các bên có thể thỏa thuận về các phương thức xử lý tài sản bảo đảm khác, ngoài ba phương thức đã được liệt kê, ví dụ đưa tài sản bảo đảm vào khai thác và số tiền thu được từ việc khai thác sẽ được sử dụng vào việc thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm. Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản sẽ được bán đấu giá.Một điểm mới của BLDS năm 2015 đó là cho phép bên nhận bảo đảm tự bán tài sản để xử lý tài sản bảo đảm. Đây là một ngoại lệ của Điều 195 BLDS năm 2015 khi cho phép bên nhận bảo đảm là người không phải chủ sở hữu của tài sản bảo đảm được tự bán tài sản bảo đảm: Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật. Vì thế, ngân hàng được tự mình bán tài sản cầm cố hay thế chấp, chỉ cần các bên có thỏa thuận về phương thức xử lý bảo đảm này, mà không cần có ủy quyền của bên bảo đảm cho ngân hàng. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngân hàng trong việc xử lý bảo đảm.
  • Bên cạnh đó, bên nhận bảo đảm có thể nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Tuy nhiên, phương thức này chỉ có thể được áp dụng khi nghĩa vụ được bảo đảm chính là nghĩa vụ của bên bảo đảm. Nói cách khác, phương thức này không áp dụng cho trường hợp một bên thế chấp tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác.
  • BLDS năm 2015 không đề cập thời điểm mà các bên có thể thỏa thuận về việc ngân hàng tự bán tài sản bảo đảm. Có thể hiểu, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc vào thời điểm xử lý tài sản bảo đảm hoặc ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thực hiện hợp đồng.
  • Về thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, BLDS năm 2015 quy định bên nhận bảo đảm phải có nghĩa vụ thông báo cho bên có tài sản bảo đảm, tuy nhiên chưa rõ ràng. Cụ thể, về "thời hạn hợp lý" nhưng không rõ "thời hạn hợp lý" là bao lâu? bao nhiêu ngày? hoặc các bên có phải thỏa thuận về "thời hạn hợp lý" trong hợp đồng hay không? và về chế tài xử lý bên nhận bảo đảm khi không thông báo trong một "thời hạn hợp lý" nhưng chỉ trong trường hợp có gây thiệt hại cho các bên. Như vậy, có thể hiểu nếu bên nhận bảo đảm không thông báo thì không ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm và không phải chịu chế tài gì về hành vi không thông báo của mình nếu không gây thiệt hại cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.
  • Về việc bàn giao tài sản thế chấp để xử lý, đặc thù của việc thế chấp tài sản là tài sản thế chấp vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của bên thế chấp (hoặc bên giữ tài sản bảo đảm), nếu các bên không có thỏa thuận nào khác. Như vậy, trong trường hợp bên nhận thế chấp muốn xử lý tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp phải yêu cầu bên thế chấp (hoặc bên giữ tài sản bảo đảm) bàn giao tài sản để xử lý theo quy định tại Điều 301 BLDS: Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

        Quý khách vui lòng gọi ngay 1800 6365 để được tư vấn và giải quyết các thắc mắc Hợp đồng thế chấp tài sản.

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG NGUYỄN THÀNH HƯNG

“ĐÚNG CAM KẾT – TRỌN NIỀM TIN”