- Tài sản chung và tài sản riêng của hai vợ chồng được xác định như thế nào? Có thể gộp tài sản riêng vào tài sản chung được hay không? Và việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như thế nào cho đúng pháp luật, đảm bảo được quyền lợi của vợ, chồng. Bài viết sau đây tổng hợp một số quy định của pháp luật về vấn đề nêu trên.
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định vợ, chồng có quyền lựa chọn hai chế độ tài sản: chế độ tài sản theo luật định là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng hoặc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận.
- Trước tiên, xác định rõ tài sản riêng của vợ, chồng được quy định như thế nào? Theo điều 43 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội thì:
"Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này."
- Như quy định trên, đối với tài sản mà vợ, chồng có đươc trước khi kết hôn thì được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng. Và pháp luật cũng quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình thì: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.”
- Như vậy, để tài sản này trở thành tài sản chung thì vợ chồng phải tiến hành thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung, dựa theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau:
"Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung
1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."
- Căn cứ vào những quy định pháp luật trên, tài sản riêng của vợ, chồng có thể được nhập vào tài sản chung của vợ chồng; nếu được sự đồng ý của vợ, chồng. Việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung phải do hai vợ chồng tự thỏa thuận, đồng ý; và phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực.
- Trình tự thủ tục để thực hiện Văn bản nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung trong thời ký hôn nhân được tiến hành như sau:
Điều 42 Luật công chứng năm 2014 quy định: Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
Như vậy, Văn bản nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng không thuộc một trong ba trường hợp đặc biệt tại Điều 42 Luật công chứng năm 2014 nên đối với tài sản là bất động sản thì phải được Công chứng viên đang hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản thực hiện.
- Khi thực hiện công chứng văn bản nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì thực hiện theo thủ tục sau đây:
- Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu công chứng
- Người yêu cầu công chứng chuẩn bị hồ sơ như sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch (nếu có);
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/ Hộ chiếu;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất/ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở/ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/ Chứng nhận đăng ký xe ô tô/ Chứng nhận đăng ký xe ô tô, xe máy/
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn/ Giấy công nhận kết hôn.
- Khi tiếp nhận yêu cầu công chứng, nếu hồ sơ đầy đủ, đúng pháp luật thì Công chứng viên thụ lý và ghi vào sổ công chứng; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì Công chứng viên yêu cầu bổ sung theo quy định.
- Bước 2: Thực hiện công chứng
-
- Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.
- Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
- Đối với trường hợp người yêu cầu công chứng đã có bản dự thảo hợp đồng, giao dịch thì Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng. Đối với trường hợp người yêu cầu công chứng chưa có bản dự thảo hợp đồng, giao dịch thị Công chứng viên soạn thảo hợp đồng, giao dịch.
- Người yêu cầu công chứng tự đọc dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc Công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
- Ghi lời chứng, ký tên.
- Bước 3: Công chứng viên trả lại tất cả bản chính giấy tờ lại cho người yêu cầu công chứng và chuyển hồ sơ sang bộ phận đóng dấu, kế toán.
-
- Người yêu cầu công chứng đóng phí công chứng và nhận lại bản chính hợp đồng.
Nếu còn thắc mắc, quý khách vui lòng liên hệ vào số hotline 1800 6365 để được hỗ trợ, giải đáp, xin cám ơn và hẹn gặp lại.