Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

13/11/2021


Chiều 12/11, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Với 462/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,59%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Theo đó, trên cơ sở 177 lượt ý kiến tại Tổ và 26 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, xin báo cáo Quốc hội.

Đối với tên gọi của Luật, nhiều ý kiến đề nghị sửa tên Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê” vì chủ yếu sửa đổi, bổ sung phần Danh mục chỉ tiêu kèm theo dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện như trong dự thảo Luật.

Về bố cục, nhiều ý kiến đề nghị sắp xếp thứ tự và nội dung các điều của dự thảo Luật cho phù hợp theo đúng quy định về hình thức ban hành văn bản luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến này và thể hiện như trong dự thảo Luật, cụ thể như sau: Chuyển Điều 2 thành khoản 3 của Điều 1, sửa Điều 3 thành Điều 2.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào thực tiễn thống kê cũng như thông lệ thống kê quốc tế, việc quy định 5 năm thực hiện rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP là phù hợp, cần thiết.

Tổng điều tra kinh tế sẽ được thực hiện theo kỳ 5 năm một lần, sau khi có kết quả Tổng điều tra kinh tế sẽ là thời điểm thích hợp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát quy mô GDP. Các giai đoạn rà soát, đánh giá lại quy mô GDP sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu sau khi Luật được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan chức năng sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đánh giá lại hay không đánh giá lại.

Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị thể hiện lại quy định tại điểm b Khoản 1 “Định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội” vì chưa rõ hệ quả pháp lý của việc rà soát. Tiếp thu các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện tại điểm c như sau: “Định kỳ 5 năm rà soát quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước”.

Về quy định hiệu lực thi hành của Luật từ 1/1/2022, trong khi điều khoản chuyển tiếp quy định thời hạn đến 31/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm cho phép tiếp tục thực hiện những công việc còn đang dang dở như: Năm 2022 vẫn phải rà soát, đánh giá lại, công bố chính thức số liệu một số chỉ tiêu của năm 2021 (trước đó là ước tính); xây dựng Phương án điều tra năm 2022; dự toán kinh phí các cuộc điều tra năm 2022 và chuẩn bị các điều kiện khác để thực hiện thu thập thông tin phục vụ biên soạn 186 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục -Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13. Do vậy, cần có quy định khoản chuyển tiếp.

Về Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; sửa đổi, bổ sung từ 20 thành 21 nhóm và từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu; bổ sung 10 chỉ tiêu, trong đó đã bổ sung một số chỉ tiêu phản ảnh về chất lượng; bỏ 4 chỉ tiêu và tách 2 chỉ tiêu thành các chỉ tiêu độc lập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Hồ sơ dự án Luật qua 2 lần báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quộc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã đầy đủ nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Báo cáo đánh giá về tác động chính sách sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành đã được gửi kèm theo Tờ trình số 378/TTr-CP ngày 06/10/2021 của Chính phủ.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giao Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu thống kê quốc gia để bảo đảm so sánh quốc tế. Hiện nay, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam (Phụ lục II ban hành kèm theo Tờ trình số 378/TTr-CP ngày 06/10/2021 của Chính phủ).

Việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật Thống kê: “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”.

Hải Liên
Nguồn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ