Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những vấn đề cần lưu ý khi muốn từ chối nhận di sản

Những vấn đề cần lưu ý khi muốn từ chối nhận di sản

19/08/2021


Người yêu cầu công chứng văn bản từ chối di sản có cần phải tới tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền để công chứng, chứng thực văn bản từ chối di sản hay không?...
  • Người yêu cầu công chứng văn bản từ chối di sản có cần phải tới tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền để công chứng, chứng thực văn bản từ chối di sản hay không? Khi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực văn bản từ chối di sản có cần phải xuất trình bản chính Giấy chứng nhận không?
  • Căn cứ theo Điều 620 BLDS 2015:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

  • Căn cứ theo Điều 40, Điều 41 Luật công chứng 2014:

“…Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch”.

  • Căn cứ theo Điều 42 Luật công chứng 2014

“Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”

  • Căn cứ theo Điều 53 Luật công chứng 2014 về phạm vi áp dụng:

“Thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, hợp đồng ủy quyền, di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản được thực hiện theo quy định của Mục này và các quy định của Mục 1 Chương này mà không trái với quy định của Mục này.”

  • Căn cứ theo Điều 59 Luật công chứng 2014:

“Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.”

Kết luận:

  • Hiện nay, pháp luật chỉ có quy định hướng dẫn thủ tục công chứng, chứng thực đối với văn bản từ chối di sản mà chưa có quy định nào bắt buộc văn bản từ chối di sản phải được công chứng, chứng thực.
  • Như vậy, việc lập người thừa kế có yêu cầu từ chối di sản phải tiến hành lập văn bản về việc từ chối này trước thời điểm phân chia di sản. Văn bản từ chối phải được gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
  • Tuy nhiên, văn bản từ chối di sản không thực hiện công chứng, chứng thực khi được sử dụng để thực hiện công chứng văn bản khai nhận/phân chia di sản tại các tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên có quyền xác minh, giám định tính hợp pháp, hợp lệ của văn bản từ chối di sản nêu trên. Vì vậy, việc công chứng, chứng thực văn bản từ chối di sản được khuyến khích để tránh mất thời gian, tiền bạc và hạn chế rủi ro, tranh chấp phát sinh về sau.
  • Đối với việc xuất trình bản chính Giấy chứng nhận khi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực văn bản từ chối di sản thì tại Điều 53 Luật công chứng 2014 có ghi nhận rằng thủ tục công chứng văn bản từ chối di sản được thực hiện theo Mục 1 và Mục 2 và không trái với quy định tại Mục 2. Trong đó, các giấy tờ tài sản cần thiết cho việc công chứng văn bản từ chối di sản không đề cập đến bản chính Giấy chứng nhận (chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người để lại di sản) mà chỉ yêu cầu các giấy tờ chứng minh người để lại di sản đã chết và giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người yêu cầu công chứng và người để lại di sản.
  • Như vậy, khi thực hiện công chứng văn bản từ chối di sản, pháp luật không yêu cầu xuất trình bản chính Giấy chứng nhận nhận (chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người để lại di sản) mà có thể sử dụng bản sao y. Nhưng trường hợp công chứng viên nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quyền tài sản thì công chứng viên có quyền yêu cầu thủ tục xác minh, giám định theo thẩm quyền của mình căn cứ theo Điều 40 Luật công chứng 2014.