Thứ 2 - 6 7:45 AM - 17:15 PM
Thứ 7 8:00 AM - 16:00 PM
Trang chủ / Những gam màu "sáng tối" trong hoạt động công chứng
31/08/2021
Ông Tuấn Đạo Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Từ ‘trăm hoa đua nở’ - mở văn phòng công chứng…
Qua hơn 6 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, Bộ Tư pháp tổ chức được 5 khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng cho 5.272 người; bổ nhiệm 3.235 công chứng viên (CCV). Đến nay, cả nước đã thành lập 1.202 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 118 Phòng công chứng và 1.084 Văn phòng công chứng (VPCC), tăng hơn 10 lần so với thời điểm trước khi thực hiện xã hội hóa công chứng.
Các tổ chức hành nghề công chứng cả nước đã công chứng được hơn 24 tỷ việc; chứng thực chữ ký trên giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản bản sao từ bản chính được gần 39 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng hơn 7 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được khoảng gần 300 triệu đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Số tiền nộp thuế vào ngân sách nhà nước là trên 1.400 tỷ đồng.
Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ, ông Tuấn Đạo Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cho biết: Việc xã hội hóa hoạt động công chứng là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho phát triển và hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa, trở thành một trong những dịch vụ, tạo ra bảo đảm pháp lý về quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp.
Hoạt động công chứng trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Đây cũng là bước đi cụ thể thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng còn một số khó khăn, vướng mắc và bất cập về cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động công chứng, cần được tháo gỡ kịp thời bằng việc sớm sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn để công chứng phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả trong thời gian tới.
… đến ‘trăm nhà đua tiếng’ và cạnh tranh không lành mạnh
Dưới góc nhìn của người đứng đầu hội nghề nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, ông Tuấn Đạo Thanh phân tích: Việc bãi bỏ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các CCV có thêm cơ hội hành nghề, tham gia cung cấp dịch vụ công chứng cho cá nhân, tổ chức, phá bỏ cơ chế xin - cho trong quá trình thành lập văn phòng công chứng…
Tuy nhiên, xóa bỏ quy hoạch công chứng cũng có tác động tiêu cực đối với hoạt động công chứng mà biểu hiện rõ nét nhất là xu thế dịch chuyển CCV từ những tỉnh có số lượng hợp đồng, giao dịch ít sang các tỉnh, thành phố có số lượng hợp đồng, giao dịch nhiều; hoặc ngay trong một tỉnh, thành phố thì các VPCC cũng có sự dịch chuyển trụ sở về những quận, huyện có số lượng hợp đồng, giao dịch nhiều hơn. Hệ quả là tại một số địa bàn điều kiện KT-XH chưa phát triển, người dân sẽ gặp khó khăn khi có yêu cầu công chứng.
“Việc tập trung quá nhiều tổ chức hành nghề công chứng và CCV tại một số địa bàn sẽ làm phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu hút khách hàng, việc cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm giảm sút chất lượng, nhất là chất lượng “pháp lý” của loại hình dịch vụ công này”, ông Thanh nói.
Trưởng văn phòng Công chứng Tuệ Tĩnh Lê Thị Danh. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Từ thực tiễn hoạt động, Trưởng VPCC Tuệ Tĩnh (TP. Hà Nội), bà Lê Thị Danh cho biết, hiện có nhiều bất cập trong Luật Công chứng, gây khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng và việc “lách luật” của các CCV. Các địa phương cho mở quá nhiều VPCC trong khi các giao dịch không tăng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh xảy ra giữa các VPCC, giữa các CCV làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công chứng.
Bên cạnh đó, việc CCV “chạy” từ VPCC này sang VPCC khác để bảo đảm đủ 2 CCV cho một VPCC, việc thu phí dịch vụ theo thỏa thuận dẫn tới tình trạng “loạn phí” trong hoạt động công chứng làm méo mó, thiếu đi sự minh bạch trong hoạt động công chứng.
Luật Công chứng quy định, tên gọi của VPCC phải bao gồm đầy đủ cả họ và tên của CCV - Trưởng văn phòng hoặc CCV hợp danh dẫn đến tình trạng khó xử trong thực tế. Khi thay đổi trưởng văn phòng hoặc di chuyển trụ sở, buộc phải đổi tên gọi của VPCC làm ảnh hưởng đến hoạt động của VPCC. Việc đổi tên gây nên sự khó hiểu của người dân và khách hàng đến giao dịch.
Là một người có thâm niên nghiên cứu về công chứng, CCV Đào Duy An (TP. Hà Nội) nhìn nhận: Mô hình công chứng hiện nay có những điểm chưa hợp lý bởi công chứng thì hướng tới sự chặt chẽ, an toàn. Chứng thực thì lại hướng tới tính tiện lợi, phổ cập và chi phí thấp. Mặc dù có sự tồn tại song song giữa công chứng giao dịch và chứng thực giao dịch nhưng lại chưa có sự phối hợp hoặc bù trừ cho nhau để giảm bớt rủi ro cho người dân. Công chứng không thể theo dõi và không thể biết được các thông tin tài sản giao dịch qua chứng thực và ngược lại. Hoạt động chứng thực đang làm cho hệ thống thông tin công chứng mà ngành công chứng xây dựng dần bị vô hiệu hóa.
“Hiện nay, công chứng giao dịch và chứng thực giao dịch dân sự gần như đang thực hiện cùng một nhiệm vụ cho thấy chúng ta chưa lựa chọn được mô hình công chứng phù hợp và dường như đang lúng túng trong vấn đề này. Hoạt động chứng thực giao dịch đang làm cho hệ thống thông tin công chứng mà ngành công chứng xây dựng dần bị vô hiệu hóa”, ông An nêu rõ.
Theo ông An, có một thực trạng rất khó có thể phân biệt được sự khác nhau của hoạt động công chứng của CCV với hoạt động chứng thực của UBND xã, phường. Tiêu chuẩn đòi hỏi đối với CCV rất khắt khe, CCV phải chịu trách nhiệm về văn bản mình công chứng. Trong khi đó, đối với công chức tư pháp xã/phường, những người thực hiện hoạt động chứng thực, tiêu chuẩn đòi hỏi là thấp hơn nhiều và cũng không phải chịu trách nhiệm về nội dung giao dịch.
Công chứng viên Đào Duy An (TP. Hà Nôi).
Ngăn chặn ‘lách luật’, công chứng ‘khống’, nghiệp vụ kém
Đề cập đến tình trạng công chứng “khống” gây nhiều hệ lụy hiện nay, ông Tuấn Đạo Thanh cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, xã hội hóa hoạt động công chứng trong thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số mặt trái như công chứng “khống”, CCV “lách” quy định của pháp luật khi chuyển đổi nơi đăng ký hành nghề…
Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng công chứng “khống” làm cho người dân lãnh hậu quả khi nhiều giao dịch bị tòa án tuyên vô hiệu, không ít CCV bị thu hồi giấy phép hành nghề, bị xử lý hình sự.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cho rằng, phải quyết liệt triển khai một số giải pháp trước mắt và lâu dài.
Đó là, rà soát lại quy định có liên quan của pháp luật để xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những sai phạm nêu trên để từ đó đề ra biện pháp tháo gỡ phù hợp với thực tế; ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm “bịt” chặt những kẽ hở trong hoạt động bổ trợ tư pháp này.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tiến hành xử lý nghiêm đối với các vi phạm. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế tự quản trong lĩnh vực công chứng; xây dựng cơ chế hiệu quả nhằm giảm thiểu những tiêu cực của cơ chế thị trường đối với hoạt động công chứng, theo quy định của Luật Đầu tư thì “hành nghề công chứng” vẫn đang là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Lê Sơn
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ