Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm

Người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm

15/09/2021


Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền về việc cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng…

Đây là giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 được nêu tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021.

Cụ thể, giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9 năm 2021 về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Hiện hành, theo điểm b khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, một trong những điều kiện để sử dụng NLĐ làm thêm giờ là bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 40 giờ trong 01 tháng.

Như vậy, nếu chính sách mới này được ban hành thì doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về việc tăng giờ làm thêm vượt quá 40 giờ/tháng nhưng phải phù hợp diễn biến dịch và đảm bảo không quá 300 giờ/năm.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia, Chính phủ còn giao Bộ LĐTB&XH thực hiện một số nhiệm vụ khác như:

- Trong tháng 9 năm 2021, chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

+ Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

+ Quy định tại điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

+ Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật theo quy định tại khoản 3, 6 Điều 3 Nghị định này, là: Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận; văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm.

+ Quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8, khoản 7 Điều 9, khoản 5 Điều 17 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Bản sao hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.

+ Cho phép người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác với thời hạn không quá 06 tháng và người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc mà không phải làm lại giấy phép lao động.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn theo hướng giảm điều kiện, đơn giản hóa tối đa thủ tục, mở rộng đối tượng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách, hoàn thành trong tháng 9 năm 2021.

Hồng Vân
Theo Nhịp sống kinh tế