Một số lưu ý khi từ chối nhận di sản thừa kế
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Quyền từ chối nhận di sản thừa kế.
1.1 Di sản thừa kế là gì?
1.2 Quyền từ chối nhận di sản thừa kế.
2. Văn bản từ chối nhận di sản có bắt buộc công chứng hay không?
3. Thời điểm thực hiện việc từ chối nhận di sản.
Pháp lý liên quan đến hoạt động phân chia thừa kế ngày càng hoàn thiện. Trong đó có hoạt động liên quan đến từ chối nhận di sản. Vậy khi từ chối cần lưu ý điều gì? Cùng tìm hiểu quyền từ chối nhận di sản thừa kế, văn bản pháp lý từ chối nhận di sản. Và thời điểm để thực hiện việc từ chối nhận di sản.
- Di sản thừa kế hiểu theo quy định tại Điều 612 Bộ Luật dân sự năm 2015 bao gồm: “tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Vậy trường hợp người thừa kế theo di chúc hoặc người thừa kế theo quy định pháp luật có di sản được thừa kế thì người đó có quyền nhận hoặc không nhận di sản, trừ trường hợp mục đích từ chối nhận di sản thừa kế hướng đến việc trốn tránh nghĩa vụ tài sản với người khác (nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ trốn thuế, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại…).
- Căn cứ theo Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015 có thể hiểu rằng từ chối thừa kế di sản là việc người có quyền hưởng thừa kế di sản của người chết nhưng vì lý do bất kì họ không có nhu cầu, mong muốn nhận di sản đó, trừ trường hợp khác theo quy định pháp luật.
- Đồng thời, theo quy định tại khoản 2, Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Việc từ chối thừa kế di sản phải được lập thành văn bản nhằm thông báo đến những người quản lý di sản thừa kế, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ để phân chia tài sản để biết”. Mục đích của việc lập thành văn bản từ chối thừa kế di sản nhằm tránh xảy ra các tranh chấp sau này, trường hợp người đã từ chối thừa kế di sản “đổi ý” muốn nhận lại di sản đã từ chối, thì lúc này giấy tờ rõ ràng sẽ tránh được mâu thuẫn giữa các bên.
- Căn cứ tại khoản 2, Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 59 Luật công chứng năm 2014 thì việc từ chối nhận thừa kế di sản phải được lập thành văn bản gửi đến cho người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết, để bảo đảm pháp lý cho các bên. Đối với hoạt động công chứng/chứng thực văn bản từ chối không bị pháp luật ràng buộc thực hiện. Việc công chứng văn bản này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu công chứng/chứng thực của người được thừa kế.
- Theo quy định pháp luật nêu trên, thủ tục công chứng sẽ không bắt buộc đối với văn bản này. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị pháp lý cho các bên, cũng như bảo đảm quyền lợi của chính mình thì người được từ chối nhận di sản thừa kế nên yêu cầu công chứng văn bản này. Vì nếu lập văn bản từ chối nhận thừa kế di sản chỉ có sự tham gia của người thân, có những sự kiện xảy ra có thể làm thay đổi giá trị của văn bản; hoặc có những vấn đề không được làm rõ trong văn bản khi xảy ra tranh chấp sẽ gây thiệt hại cho các bên... Đồng thời mức phí của việc công chứng văn bản từ chối nhận thừa kế di sản không hề cao nên các bên từ chối nhận di sản không nên e dè ngại khoản chi phí bỏ ra để thực hiện công chứng. Nghĩa là chỉ cần bỏ ra một khoản phí nhỏ nhưng lại đủ làm căn cứ bảo vệ pháp lý cho chính mình khi từ chối nhận di sản. Vì vậy không có lý do gì để chúng ta từ chối việc thực hiện công chứng văn bản này.
➤ Có thể bạn quan tâm về: Hồ Sơ Thủ Tục Công Chứng Từ Chối Thừa Kế Di Sản.
Thời điểm thực hiện việc từ chối nhận di sản
- Theo quy định tại khoản 3, Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 có nêu rằng, trường hợp người có quyền nhận di sản chỉ được từ chối trước thời điểm phân chia di sản thừa kế. So với quy định tại Bộ luật dân sự 2005 quy định quyền từ chối có hiệu lực trong vòng 06 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế thì đây là quy định tiến bộ hơn, hỗ trợ người có quyền hưởng di sản được phép từ chối di sản chỉ cần thực hiện trước thời điểm phân chia không bị bó hẹp trong thời hạn 6 tháng như quy định cũ.
- Trên đây là một số lưu ý liên quan đến hoạt động từ chối nhận di sản thừa kế. Nếu còn vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua tổng đài miễn phí 1800 63 65 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.
➤ Tìm hiểu thêm về: Quy định pháp luật về từ chối thừa kế di sản