Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Khai nhận di sản khi không đủ người thừa kế

Khai nhận di sản khi không đủ người thừa kế

19/08/2021


Trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc mà một trong các người con là người thừa kế chết hoặc không có mặt tại thời điểm công chứng thì có tiếp tục công chứng văn bản khai nhận/phân chia di sản cho những người thừa kế còn lại được không?...
  • Trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc mà một trong các người con là người thừa kế chết hoặc không có mặt tại thời điểm công chứng thì có tiếp tục công chứng văn bản khai nhận/phân chia di sản cho những người thừa kế còn lại được không?
  • Căn cứ theo Điều 613 BLDS 2015

“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

  • Căn cứ theo Điều 644 BLDS 2015:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

  • Căn cứ Điều 651 BLDS 2015:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

  • Căn cứ Điều 652 BLDS 2015:

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Căn cứ theo Điều 57 Luật công chứng 2014:

“Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.”

“Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.”

Căn cứ theo Điều 58 Luật công chứng 2014:

“Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”

  • Kết luận:
  • Căn cứ theo Điều 57 và Điều 58 Luật công chứng 2014 thì người yêu cầu công chứng văn bản khai nhận/phân chia di sản phải là những người thừa kế theo pháp luật/theo di chúc của người để lại di sản. Như vậy, khi thực hiện công chứng các văn bản trên, những người yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng Điều 613 BLDS 2015 và phải có mặt tại thời điểm công chứng để thực hiện thủ tục công chứng.
  • Trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc mà có con là người thừa kế chết sau người để lại di sản:
    • Căn cứ theo Điều 651 BLDS 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật của người đã chết sẽ được hưởng phần di sản mà người này sẽ được hưởng khi còn sống. Như vậy, di sản này sẽ được tiếp tục khai nhận/phân chia cho hàng thừa kế của người đồng thừa kế đã chết.
  • Trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc mà có con là người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản:
  • Căn cứ theo Điều 652 BLDS 2015 thì cháu sẽ được hưởng phần di sản mà cha mẹ cháu khi còn sống được hưởng; nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt sẽ được hưởng phần di sản mà cha, mẹ của chắt khi còn sống được hưởng.
  • Trường hợp có con là người thừa kế vắng mặt tại thời điểm công chứng văn bản khai nhận/phân chia di sản thì phải có văn bản ủy quyền cho người khác thay mặt mình thực hiện thủ tục công chứng.

    Quý khách vui lòng gọi ngay 1800 6365 để được tư vấn và giải quyết các thắc mắc về văn bản khai nhận/phân chia di sản.

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG NGUYỄN THÀNH HƯNG

“ĐÚNG CAM KẾT – TRỌN NIỀM TIN”