Hộ gia đình có được ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
2. Điều kiện thành viên hộ gia đình được ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
3. Thủ tục nội dung ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
4. Dịch vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong quy định về luật đất đai, một mảnh đất hoặc một bất động sản có nhiều chủ thể làm đồng sở hữu. Và hộ gia đình không phải là trường hợp ngoại lệ, quyền sử dụng đất trong hộ gia đình là quyền của tất cả các thành viên trong hộ gia đình. Khi có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cần phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên. Tất nhiên không phải trường hợp nào các thành viên trong hộ gia đình cũng có mặt đầy đủ để ký giấy tờ. Vậy các thành viên có được ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không có mặt tại nơi cư trú. Bài viết này sẽ làm rõ, cũng như cung cấp thủ tục, điều kiện để thực hiện việc ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Trong giao dịch đất đai có các trường hợp như người sử dụng đất vì nhiều lý do không có mặt tại địa phương nơi có bất động sản và muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì có được ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người khác thay mặt mình để thực hiện các giao dịch về đất đai.
- Theo pháp luật hiện hành, ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là việc người sử dụng đất không có mặt tại địa phương nơi có đất muốn thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ làm hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất để bên nhận chuyển nhượng thay mình thực hiện công việc.
- Thỏa thuận ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thỏa thuận dân sự. Và việc ủy quyền này là sự thỏa thuận giữa các bên, bên nhận ủy quyền sẽ nhân danh bên ủy quyền thực hiện một công việc, và nhận thù lao nếu có sự thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật. Hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 562 Bộ Luật dân sự:
- “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”
- Như vậy, người sử dụng đất được ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác khi không tự mình thực hiện việc chuyển nhượng và ủy quyền này có sự thỏa thuận của hai bên ủy quyền và nhận ủy quyền.
Hộ gia đình có được ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Theo quy định của pháp luật đất đai, quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thuộc quyền sử dụng chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Theo đó khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì buộc phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ gia đình.
- Đối với những hộ gia đình có thành viên chưa thành niên hay mất năng lực hành vi dân sự thì cần có sự đồng ý của người giám hộ theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 58 Bộ Luật Dân Sự như sau:
“Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.”
- Pháp luật hiện hành chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc xác định thành viên trong hộ gia đình nhưng khi làm việc thực tế, các tổ chức công chứng, văn phòng đăng ký đất đai đều dựa trên sổ hộ khẩu để xác định chủ thể khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Như vậy, để xác định một người có phải là thành viên trong hộ gia đình thì người đó phải có tên trong sổ hộ khẩu và tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người đó chưa chuyển hộ khẩu. Đáp ứng hai điều kiện này thì cá nhân được xem là thành viên hộ gia đình và có quyền đối với mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Theo đó, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì phải được tất cả thành viên có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền ký tên. Đồng thời, người được ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của các thành viên có chung quyền sử dụng đất theo quy định rõ tại khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, cụ thể:
“Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.”.
- Tóm lại, khi hộ gia đình ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các thành viên có chung quyền sử dụng đất không nhất thiết phải có mặt mà chỉ cần có văn bản ủy quyền chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực để người đứng tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền ký hợp đồng chuyển nhượng với bên nhận chuyển nhượng.
- Đối với việc thành viên hộ gia đình đang ở xa và thành viên muốn thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không thể ký hợp đồng thì được quyền ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Người nhận ủy quyền sẽ thay mặt thành viên hộ gia đình lập và ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Luật Công chứng hiện nay không có quy định bắt buộc hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải công chứng, chứng thực nhưng để đảm bảo an toàn cho các bên tham gia giao dịch, các bên nên đến văn phòng công chứng lập hợp đồng ủy quyền để bảo đảm chặt chẽ, tránh rủi ro pháp lý sau này.
- Đối với bên chuyển nhượng cần chú ý nội dung của hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nội dung cơ bản cần thể hiện rõ yêu cầu “Bên nhận ủy quyền được thay mặt bên ủy quyền thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
- Đối tượng của Hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là công việc phải thực hiện và không phải là quyền sử dụng đất nên bên ủy quyền có thể lập hợp đồng ủy quyền ở bất kỳ tổ chức công chứng trên địa bàn phù hợp.
- Qua bài viết, văn Phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng đã trả lời rõ câu hỏi hộ gia đình có được ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất không. Theo đó bài viết cung cấp thêm các điều kiện để các thành viên trong hộ gia đình được ủy quyền chuyển nhượng hợp đồng sử dụng đất, cũng như thủ tục và nội dung hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng để tránh việc phát sinh tranh chấp pháp lý về sau.
- Và việc soạn hợp đồng ủy quyền, cũng như việc thực hiện hồ sơ ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất khá phức tạp vì tùy từng địa phương sẽ quy định thêm một vài quy định chi tiết đối với các bên. Để tránh việc mất thời gian cũng như khó khăn trong các quy định của pháp luật, quý khách gọi số hotline: 1800 6365 để được văn phòng công chứng Nguyễn Thành Hưng tư vấn miễn phí. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ tư vấn soạn thảo, công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Với đội ngũ nhân viên lâu năm, và các chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tế sẽ đem đến cho quý khách sự tin tưởng và hài lòng.