Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Có phải trả lời bằng văn bản khi từ chối cấp Sổ đỏ?

Có phải trả lời bằng văn bản khi từ chối cấp Sổ đỏ?

26/02/2022


Việc từ chối cấp Sổ đỏ có phải trả lời bằng văn bản hay không rất quan trọng, vì điều đó sẽ giúp người dân biết được lý do vì sao không được giải quyết, cơ quan nhà nước có thực hiện đúng pháp luật hay không.

1. Thời gian thực hiện thủ tục cấp Sổ đỏ

Căn cứ khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

2. Có phải trả lời bằng văn bản khi từ chối cấp Sổ đỏ?

Khi hết thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện xong thủ tục này. Đồng thời, phải trực tiếp trao Giấy chứng nhận cho người nộp hồ sơ hoặc gửi về Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để trao cho người nộp hồ sơ tại cấp xã.

Đối với trường hợp không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan giải quyết phải trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết thủ tục đã được nêu rõ tại khoản 8 Điều 19 Nghị định 61/2018/NĐ-CP như sau:

    “8. Các hồ sơ quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này sau khi thẩm định không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết hồ sơ theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ để gửi cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận Một cửa. Thông báo được nhập vào mục trả kết quả của Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Thời hạn thông báo phải trong thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định.”.

Ngoài ra, ngay tại khâu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận nếu thuộc trường hợp từ chối nhận hồ sơ, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ phải nêu rõ lý do theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (theo điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 61/2018/NĐ-CP).

3. Vì sao cơ quan nhà nước phải trả lời bằng văn bản?

(1) Bảo đảm đúng nguyên tắc giải quyết thủ tục hành chính là kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật, khách quan, công khai, minh bạch.

Để bảo đảm nguyên tắc trên trong quá trình giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận thì quyết định từ chối của cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải thể hiện dưới dạng văn bản. Trường hợp quá thời gian giải quyết nhưng trả lời bằng lời nói thì người dân sẽ khó chứng minh cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan đó vi phạm pháp luật.

(2) Người dân có căn cứ để khiếu nại hoặc khởi kiện nếu cơ quan nhà nước thực hiện không đúng quy định, cụ thể:

- Khiếu nại:

Khiếu nại quyết định không giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận là việc công dân, tổ chức theo thủ tục Luật Khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định không giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011).

Theo đó, nếu người nộp hồ sơ có căn cứ cho rằng quyết định không giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận là trái pháp luật thì có quyền khiếu nại quyết định đó.

Đối tượng khiếu nại trong trường hợp này là quyết định không giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, cấp Giấy chứng nhận.

- Khởi kiện:

Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015, khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là quyết định hành chính, hành vi hành chính trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật,…

Như vậy, đối tượng khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân là quyết định, hành vi không giải quyết hồ sơ,… nếu có đủ căn cứ khởi kiện.

(3) Tổ chức, cá nhân có căn cứ đánh giá cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không.

Trong thông báo không giải quyết sẽ nêu rõ lý do không giải quyết (nêu căn cứ pháp lý và giải thích vì sao không giải quyết), từ đó người dân có căn cứ đánh giá cơ quan nhà nước áp dụng đúng hay áp dụng sai quy định pháp luật.