Hợp đồng uỷ quyền bán xe ô tô
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Quy định về hợp đồng uỷ quyền khi mua bán xe ô tô.
2. Các rủi ro khi mua bán xe ô tô bằng hợp đồng uỷ quyền.
2.1 Không thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe ô tô.
2.2 Quyền của bên mua xe bị hạn chế trong phạm vi hợp đồng uỷ quyền.
2.3 Hợp đồng uỷ quyền mua bán xe ô tô có thể bị chấm dứt, bị vô hiệu theo quy định pháp luật.
3. Xử phạt vi phạm hành chính khi không đăng ký sang tên xe ô tô.
Mua bán xe ô tô là một giao dịch dân sự diễn ra rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, vì một số lý do và mục đích khác nhau mà các bên mua bán không ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng xe mà thay vào đó là hợp đồng uỷ quyền sử dụng xe ô tô. Việc các bên lập hợp đồng uỷ quyền khi mua bán xe có đúng quy định pháp luật. Nội dung bài viết dưới đây sẽ giải thích cụ thể về vấn đề này.
➤ Xem thêm: Hợp đồng mua bán xe máy viết tay có hợp pháp không?
- Theo quy định pháp luật tại Điều 430 và Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) định nghĩa về hợp đồng mua bán tài sản và uỷ quyền như sau:
- Hợp đồng ủy quyền là “sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
- Hợp đồng mua bán tài sản là “sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.
- Theo đó, hợp đồng uỷ quyền là việc bên được uỷ quyền sẽ thay thế hoặc nhân danh bên uỷ quyền thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi uỷ quyền, bên được uỷ quyền chỉ được phép thực hiện các nghĩa vụ trong một phạm vi nội dung công việc nhất định mà đã được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Còn đối với hợp đồng mua bán tài sản là việc bên bán phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản mà mình đang sở hữu hợp pháp cho bên mua, hay nói cách khác bên bán giao tài sản cho bên mua và ngược lại bên mua có nghĩa vụ trả tiền cho bên bán.
- Như vậy, dựa vào các quy định pháp lý trên thì hợp đồng uỷ quyền hay hợp đồng mua bán tài sản đều là giao dịch dân sự và nội dung cũng như quyền, nghĩa vụ các bên là hoàn toàn khác nhau. Nếu mục đích chính của các bên giao dịch nhằm mua bán chuyển nhượng xe ô tô nhưng lại lập hợp đồng uỷ quyền mà không làm hợp đồng mua bán, không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ là trái với pháp luật và có thể phát sinh các rủi ro khi mua bán xe ô tô bằng hợp đồng uỷ quyền.
- Việc các bên mua bán xe ô tô không lập hợp đồng mua bán theo quy định pháp luật mà lập hợp đồng uỷ quyền thì sẽ làm phát sinh các rủi ro pháp lý cũng như mâu thuẫn về quyền, nghĩa vụ và đặc biệt người mua xe dưới tư cách là bên được uỷ quyền sẽ là bên bất lợi nhất trong giao dịch uỷ quyền.
- Bên mua xe chính là người mong muốn mình được đứng tên chủ sở hữu đối với tài sản của mình, tuy nhiên khi hai bên ký hợp đồng uỷ quyền để mua bán xe thì bên mua sẽ không thể làm thủ tục sang tên đối với chiếc xe ô tô đó vì hợp đồng mua bán mới được xem là chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định pháp luật để được phép thực hiện đăng ký sang tên.
- Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định các giấy tờ được Nhà nước công nhận là chứng từ chuyển quyền sở hữu xe trong đó bao gồm:
- Quyết định bán hoặc hợp đồng mua bán xe ô tô;
- Giấy bán xe của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Do đó, nếu các bên mua bán xe thông qua hợp đồng uỷ quyền mà không phải là hợp đồng mua bán xe ô tô thì sẽ không được phép làm thủ tục sang tên xe vì hợp đồng uỷ quyền không được công nhận là chứng từ chuyển quyền sở hữu.
- Như đã phân tích ở trên, dù bên mua xe đã được uỷ quyền để sử dụng, quản lý tài sản theo hợp đồng uỷ quyền đã giao kết nhưng bên bán xe mới là chủ sở hữu đứng tên trên giấy tờ vì vậy quyền lợi của bên mua sẽ bị hạn chế trong phạm vi uỷ quyền. Cụ thể, khi người được uỷ quyền muốn thực hiện những giao dịch mà có liên quan đến xe ô tô như muốn chuyển nhượng, tặng cho người khác thì đều phải thông qua sự đồng ý của người uỷ quyền (bên bán xe).
- Hơn nữa, bên bán có thể ký hợp đồng uỷ quyền cùng lúc với nhiều người hay đem bán một chiếc xe ô tô cùng lúc cho nhiều đối tượng khác nhau và đối với trường hợp uỷ quyền không thù lao thì bên bán (bên uỷ quyền) cũng có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào với bên được uỷ quyền (bên mua) nếu đã báo trước một thời gian hợp lý theo quy định tại Điều 569 BLDS 2015. Vì vậy, quyền lợi của người mua trong trường hợp này sẽ không được pháp luật bảo vệ.
- Hợp đồng uỷ quyền giữa các bên trong giao dịch mua bán xe ô tô có thể bị chấm dứt bất kỳ lúc nào theo quy định của pháp luật về chấm dứt tại khoản 3 Điều 140 BLDS 2015 như sau:
- Nếu một trong các bên uỷ quyền hoặc được uỷ quyền chết;
- Bên uỷ quyền không còn đủ điều kiện về năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự.
- Nếu chẳng may trong thời hạn thực hiện hợp đồng uỷ quyền mà một trong các bên chết hoặc bên bán bị mất năng lực hành vi dân sự do tai nạn nào đó thì hợp đồng uỷ quyền đương nhiên sẽ bị chấm dứt. Lúc này bên mua sẽ không còn quyền sử dụng, quản lý xe ô tô như theo thoả thuận trong hợp đồng nữa.
- Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng, dù bên mua xe đã thanh toán đầy đủ và đã nhận các giấy tờ kèm theo và vì lý do nào đó hoặc do mâu thuẫn mà bên bán có thể yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu hợp đồng. Theo đó, hợp đồng uỷ quyền có thể bị vô hiệu nếu một trong các bên có yêu cầu Toà án tuyên bố vô hiệu hợp đồng vì bản chất của hợp đồng uỷ quyền được xác lập giữa các bên là nhằm che dấu cho giao dịch mua bán chuyển nhượng xe ô tô theo Điều 124 BLDS 2015.
Xử phạt hành chính
- Do các bên chỉ làm hợp đồng uỷ quyền không thời hạn khi mua bán xe ô tô mà không lập hợp đồng mua bán chuyển nhượng xe theo đúng quy định pháp luật nên bên mua có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi không sang tên xe ô tô theo thời hạn quy định. Tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định khi tổ chức, cá nhân mua xe thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục đăng ký sang tên.
- Căn cứ tại Điều 30, 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định mức phạt tiền khi không thực hiện sang tên xe cụ thể là:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô khi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua tài sản là xe ô tô.
➤ Xem thêm: Thủ tục công chứng mua bán xe máy cũ.
- Tóm lại, khi các bên thực hiện giao dịch mua bán chuyển nhượng xe ô tô thì phải lập hợp đồng mua bán hoặc chuyển nhượng có công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật và phải thực hiện đăng ký sang tên xe. Việc lập hợp đồng uỷ quyền nhưng mục đích là mua bán xe ô tô là không hợp pháp và sẽ gây ra nhiều rủi ro cho bên mua xe cũng như sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật nếu cảnh sát giao thông phát hiện qua công tác kiểm tra, do đó người mua xe cần chú ý để bảo vệ quyền lợi của mình khi mua xe ô tô.