Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Chia di sản thừa kế theo Bộ Luật Dân sự 2015

Chia di sản thừa kế theo Bộ Luật Dân sự 2015

16/11/2021


Bạn quan tâm đến việc chia sản thừa kế theo luật dân sự 2015? Việc chia di sản thừa kế được quy định như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc đó của bạn.

Chia di sản thừa kế theo luật dân sự 2015
Chia di sản thừa kế theo luật dân sự 2015

  Di sản thừa kế được hiểu là những tài sản mà người chết để lại cho người còn sống. Vậy những người nào sẽ được hưởng di sản thừa kế? Di sản thừa kế sẽ được phân chia như thế nào trong trường hợp người để chết để lại di chúc và trường hợp không có di chúc? Bài viết sau đây sẽ trình bày những quy định mới nhất về việc phân chia di sản thừa kế theo Bộ luật Dân sự 2015.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Thế nào là di sản thừa kế

2. Đối tượng được hưởng di sản thừa kế

3. Quy định của pháp luật về chia di sản thừa kế

3.1. Chia di sản thừa kế theo di chúc:

3.2. Chia di sản thừa kế theo pháp luật

1. Thế nào là di sản thừa kế?

  • Theo Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế là việc một người còn sống được thừa hưởng tài sản của người chết theo nguyện vọng của người chết. Tài sản này được gọi là di sản.
  • Căn cứ vào Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”.
  • Theo đó, tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Như vậy, di sản thừa kế là những tài sản mà người chết có quyền sở hữu hợp pháp (có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu) để lại có thể là thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt,…
  • Bên cạnh đó, di sản phải là tài sản riêng, phần tài sản của người chết trong tài sản chung (đồng sở hữu tài sản). Trong hôn nhân, tài sản riêng gồm tài sản trước khi kết hôn, được thừa kế riêng, tặng cho riêng,… và tài sản khác mà pháp luật quy định là tài sản riêng (khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình).

2. Đối tượng được hưởng di sản thừa kế.

  • Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật do người chết để lại. Đối với việc hưởng di sản thừa kế theo di chúc, không chỉ được áp dụng với cá nhân mà còn áp dụng với tổ chức.
  • Căn cứ Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân và tổ chức được hưởng di sản thừa kế khi đáp ứng điều kiện sau: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”.
  • Trường hợp thừa kế theo di chúc, nếu người thừa kế là cá nhân chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, tổ chức không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế và di chúc của người người chết để lại hợp pháp thì phần di chúc để lại di sản cho cá nhân, tổ chức đó bị vô hiệu. Phần di chúc bị vô hiệu thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Phần di chúc không bị vô hiệu thì di sản sẽ được chia theo phần di chúc đó.
  • Trường hợp thừa kế theo pháp luật, Căn cứ tại Điều 619 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.”.
  • Trong các trường hợp chia di sản thừa kế theo pháp luật (di chúc vô hiệu hoặc không có di chúc), những người thừa kế di sản được pháp luật quy định thứ tự hàng thừa kế tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể,

“Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”.

3. Quy định của pháp luật về chia di sản thừa kế.

  Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, việc chia di sản thừa kế được thực hiện thông qua hai hình thức thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật:

 3.1. Chia di sản thừa kế theo di chúc:

  • Điều 659 Bộ luật dân sự 2015 quy định việc phân chia di sản theo di chúc như sau:

“1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.”

  • Về nguyên tắc, di sản thừa kế sẽ được phân chia theo ý chí của người để lại di chúc, trừ trường hợp quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc gồm: “Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động.”. Những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.

 3.2. Chia di sản thừa kế theo pháp luật:

  • Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc phân chia thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.”.

  • Theo quy định trên, hàng thừa kế sau sẽ được hưởng di sản nếu không có người ở hàng thừa kế thứ nhất hưởng di sản. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  • Trên đây là những thông tin pháp lý cơ bản về chia di sản thừa kế theo Bộ luật Dân sự 2015. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan. Trong trường hợp bạn còn thắc mắc về chia di sản thừa kế, hãy gọi ngay cho Văn Phòng Công chứng Nguyễn Thành Hưng qua hotline 1800 6365 để được tư vấn miễn phí.