Thứ 2 - 6 7:45 AM - 17:15 PM
Thứ 7 8:00 AM - 16:00 PM
Trang chủ / Bộ KH&ĐT đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu
03/11/2021
Bộ KH&ĐT cho biết, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Việc ban hành và thực hiện Luật này trong thời gian qua đã tạo dựng khung pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải sửa đổi toàn diện Luật này bởi những lý do chủ yếu như sau: Đến nay các Luật có liên quan đến Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung (Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Kiến trúc, Luật PPP…). Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu thầu có liên quan đến các luật nêu trên nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu
Bên cạnh đó, thực tiễn công tác mua sắm, đấu thầu trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật đấu thầu để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; cải tiến quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa công trình vào khai thác, kịp thời phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội…
Bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu
Tại dự thảo, Bộ KH&ĐT đề xuất chính sách "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu".
Theo đó, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu theo hướng bổ sung hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh (dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hoá, dự án có từ 2 nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án...).
Sửa đổi, bổ sung các quy định về thời gian lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo hướng cắt giảm thời gian thực hiện một số khâu, đồng thời bảo đảm tương thích với các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (như: Bỏ thủ tục thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; điều chỉnh các mốc thời gian cho phù hợp đối với một số công việc do được thực hiện trực tiếp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia); quy định thống nhất, cụ thể các mốc thời gian tối đa, tối thiểu cho từng chủ thể tham gia vào quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm tiết kiệm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm các mục tiêu cơ bản của công tác đấu thầu.
Thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm xanh
Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất chính sách "Thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho nhóm lao động yếu thế".
Cụ thể, để thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo: Bổ sung quy định cụ thể về cách tính ưu tiên, ưu đãi đối với các loại hàng hóa này so với hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa có tỉ lệ nội địa hóa thấp. Nhà thầu chào các loại hàng hóa có tỉ lệ nội địa hóa lớn sẽ được ưu tiên; các hàng hóa có tỉ lệ nội địa hóa cao sẽ được ưu tiên sử dụng để thay thế cho hàng nhập khẩu.
Bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu sản xuất, cung cấp các sản phẩm đổi mới sáng tạo, điều kiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ là các sản phẩm đổi mới, sáng tạo. Bổ sung quy định ưu tiên sử dụng các sản phẩm đổi mới sáng tạo để thay thế hàng nhập khẩu.
Bổ sung nội dung mua sắm công xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Bổ sung quy định về lộ trình bắt buộc các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm phải xem xét và đặt yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ cho nhà cung ứng dịch vụ, cụ thể là yêu cầu các sản phẩm phải thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiêu hao ít năng lượng... hướng tới một nền kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất một chính sách quan trọng nữa là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Giải pháp thực hiện chính sách này là bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán các hoạt động đấu thầu theo hướng cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, đặc biệt cần bổ sung quy trình kiểm tra, giám sát cụ thể và các quy định về hậu thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm trong đấu thầu, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu.
Lan Phương
Nguồn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ