Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Bàn về bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện

Bàn về bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện

19/08/2021


Hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”....

Hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”.

  • Như vậy, về bản chất hợp đồng tặng cho tài sản chính là sự chuyển giao quyền sở hữu (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự 2015) tài sản cho người khác.
  • Tặng cho tài sản có điều kiện là trường hợp rất hay gặp trong thực tiễn. Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015, tặng cho tài sản có điều kiện là việc “bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật; không trái đạo đức xã hội”.
  • Điều kiện ở đây là bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ. Thời điểm phát sinh là trước hoặc sau khi tặng cho. Như vậy, có hai trường hợp:
    • Thứ nhất: Điều kiện phát sinh trước khi tặng cho. Theo đó, bên được tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ trước thì hợp đồng tặng cho mới có hiệu lực.
    • Thứ hai: Hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực. Bên được tặng cho thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho.
  • Vấn đề chúng ta cần hiểu ở đây bản chất của điều kiện là gì? Theo quy định tại Khoản 1, Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015, điều kiện được tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  • Ví dụ: A tặng cho B một mảnh đất với điều kiện B phải thực hiện đóng nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước mà A còn nợ đối với mảnh đất đó.
  • Hoặc A tặng cho B một căn nhà với điều kiện là B phải cho A sống cùng trong ngôi nhà đó.
  • Hậu quả pháp lý phát sinh nếu bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết được quy định cụ thể tại khoản 2, khoản 3 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

  • Trên thực tế, có nhiều trường hợp hiểu sai bản chất của điều kiện được tặng cho nên dẫn đến trong điều khoản quy định về điều kiện tặng cho trái quy định pháp luật. Ví dụ như Ông A và Bà B muốn tặng cho con trai là anh C một mảnh đất với điều kiện Anh C phải đưa cho Ông A và Bà B số tiền 500.000.000 đồng. Về bản chất, đây là việc Ông A và Bà B chuyển nhượng cho Anh C cho nên phải lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mới đúng.
  • Hoặc có rất nhiều trường hợp bố mẹ muốn tặng cho con quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng với điều kiện con không được chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho người khác...Những điều kiện mà bên tặng cho tài sản đưa ra không đúng với quy định pháp luật vì nó hạn chế quyền năng của chủ sở hữu (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt). Cho nên những điều kiện này không được đưa vào trong hợp đồng tặng cho tài sản.
  • Trong thực tế một số ngân hàng thường yêu cầu bên thế chấp phải xuất trình hợp đồng tặng cho tài sản (đối với tài sản có nguồn gốc nhận tặng cho) với lý do Ngân hàng xem xét trong Hợp đồng tặng cho tài sản đó bên tặng cho có đưa ra điều kiện là bên được tặng cho không được thế chấp hay không. Như vậy, bên tổ chức tín dụng đang hiểu sai về bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Khi chủ sở hữu thực hiện các quyền năng của mình khi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng không bị giới hạn thì họ có toàn quyền thực hiện những việc mà pháp luật không cấm. Cho nên, trong những trường hợp này, bên tổ chức tín dụng không cần phải xác minh nguồn gốc bằng cách yêu cầu bên thế chấp xuất trình Hợp đồng tặng cho.
  • Trên đây là một số quan điểm của cá nhân về bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Hy vọng sẽ góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất pháp lý, nắm vững nội dung, đảm bảo hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện có hiệu lực pháp lý./.

    Quý khách vui lòng gọi ngay 1800 6365 để được tư vấn và giải quyết các thắc mắc Hợp đồng tặng cho.

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG NGUYỄN THÀNH HƯNG

“ĐÚNG CAM KẾT – TRỌN NIỀM TIN”